Hiện nay, nhu cầu tách một thửa đất lớn thành nhiều thửa đất nhỏ để bán, chuyển nhượng hoặc tặng cho người thân trong gia đình rất lớn. Tuy nhiên, xung quanh việc tách thửa cũng có nhiều vấn đề "rắc rối" cần được nhắc tới.
Tách thửa đất thực hiện thế nào?
Tách thửa có thể hiểu đơn giản là thủ tục chia một thửa đất thành hai hay nhiều thửa đất có diện tích nhỏ hơn.
Sau thủ tục tách thửa, từ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ban đầu sẽ xuất hiện thêm hai hay nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khác.
Còn ký giáp ranh chính là thỏa thuận của các chủ đất có bất động sản liền kề nhau về việc không lấn chiếm, sử dụng đúng ranh giới đã được đo đạc và xác lập thành bản mô tả ranh giới bởi cơ quan có thẩm quyền.
Ký giáp ranh có ý nghĩa quan trong trong việc xác định ranh giới thửa đất, là một trong các căn cứ xác định ranh giới, mốc giới thửa đất và giúp giảm thiểu các tranh chấp về đất đai sau này.Nếu đáp ứng các điều kiện tách thửa đất, bạn có thể làm hồ sơ để thực hiện tách thửa.
Xem thêm: Điều kiện tách thửa mới nhấtCăn cứ khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa như sau:
- Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu 11/ĐK.
- Bản gốc Sổ đỏ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trên thì hộ gia đình, cá nhân có thể nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu hoặc nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu địa phương chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận một cửa.
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
(Tách thửa khi chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất)
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; chuyển bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách.
- Đăng ký biến động đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền.
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Tách thửa có cần ký giáp ranh không?
Đối với việc đo đạc địa chính để chia tách thửa đất, khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (người dẫn đạc có thể là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn để hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất cho cán bộ đo đạc) cùng với người sử dụng đất tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới.
Để xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, việc các bên ký giáp ranh là cần thiết. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, nếu người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt quá trình đo đạc thì bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có).
Sau quá trình đo đạc, đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất liền kề đến ký xác nhận.
Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất liền kề không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.
Nếu sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại lập.
Như vậy, việc xác định ranh giới thửa đất không phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng đất liền kề. Hay nói cách khác, tách thửa đất vẫn cần ký giáp ranh nhưng nếu các bên không chịu ký giáp ranh, việc tách thửa đất vẫn có thể diễn ra bình thường.
Trên đây là giải đáp tách thửa có cần ký giáp ranh không? Nếu cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ hotline 19006192.
>> Muốn tách thửa nhưng không đủ diện tích phải làm thế nào?