Đất ruộng là từ thường được dùng để gọi tên một loại đất nông nghiệp là đất trồng lúa (đất trồng lúa 02 vụ trong một năm hoặc đất trồng lúa khác). Đây là loại đất vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu các loại đất nông nghiệp ở nước ta. Vậy, với vai trò quan trọng của mình, liệu người sử dụng đất trồng lúa có được tách thửa đối với loại đất này không? Điều kiện tách thửa được quy định như thế nào?
1. Để được tách thửa thì thửa đất trồng lúa nước phải đảm bảo những điều kiện cụ thể nào?
2. Diện tích tối thiểu để được phép tách thửa đất trồng lúa nước là bao nhiêu m2, thưa Luật sư?
Chào bạn, với những vấn đề bạn còn băn khoăn về việc tách thửa đất ruộng (đất trồng lúa), chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Điều kiện tách thửa đất nông nghiệp gồm những gì?
Đất trồng lúa (hay đất trồng lúa nước, đất ruộng) là những từ được dùng để chỉ chung một loại đất nông nghiệp là đất trồng lúa được quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất sử dụng để trồng lúa nước 02 vụ trở lên/1 năm) và đất trồng lúa khác (đất trồng lúa nương và đất trồng lúa thích hợp trồng được 01 vụ/1 năm).
Là một trong những loại đất nông nghiệp nên để được tách thửa thì đất trồng lúa/đất ruộng cũng phải đảm bảo các điều kiện để được phép tách thửa theo quy định của pháp luật đất đai, cụ thể như sau:
Một là, đáp ứng các điều kiện chung để được phép tách thửa đất để bán/chuyển nhượng…theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013
Các điều kiện chung về việc tách thửa đất ruộng cụ thể như sau:
- Thửa đất ruộng đã được cấp sổ hồng/sổ đỏ/Giấy chứng nhận;
- Thửa đất ruộng còn trong thời hạn sử dụng đất tại thời điểm đề nghị tách thửa;
- Tại thời điểm đề nghị tách thửa, thửa đất ruộng không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án (thi hành các bản án/quyết định của Tòa án, của Hội đồng trọng tài…);
Hai là, đảm bảo các quy định riêng biệt về điều kiện tách thửa của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất
Điều này cũng đồng nghĩa là, nếu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa không quy định hoặc không cho phép được tách thửa đất nông nghiệp là đất trồng lúa thì người sử dụng đất không được phép tách thửa loại đất này hoặc bị hạn chế tách thửa loại đất này. Nếu trong trường hợp được phép tách thửa thì thường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quy định điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa đất nông nghiệp là đất trồng lúa.
Còn trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa có quy định cho phép tách thửa loại đất này thì người sử dụng đất căn cứ vào các điều kiện được phép tách thửa đó để đề nghị tách thửa theo quy định.
Ví dụ 1, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội không quy định việc tách thửa đối với đất nông nghiệp (toàn bộ các loại đất nông nghiệp) trên địa bàn thành phố tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND
Theo đó, việc tách thửa đất nông nghiệp trên thực tế được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của từng cấp huyện nơi có đất. Người sử dụng đất trồng lúa tại từng nơi này phải đề nghị, xin phép cơ quan có thẩm quyền và phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai (chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất) để được xem xét, quyết định có được phép tách thửa hay không.
Ví dụ 2, theo Quyết định 26/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định về việc tách thửa các loại đất, thì Trà Vinh cho phép người sử dụng đất được phép tách thửa đất trồng lúa khi đảm bảo các điều kiện như sau:
+ Diện tích tối thiểu của mỗi thửa đất trồng lúa tại Trà Vinh sau khi tách là 1.000 m2;
+ Đảm bảo các quy định chung và quy định riêng được ghi nhận tại Quyết định 26/2021/QĐ-UBND;
Kết luận: Để được tách thửa đất trồng lúa thì thửa đất này phải đảm bảo các quy định chung của pháp luật đất đai và quy định riêng của từng tỉnh. Trong nhiều trường hợp, theo quy định của từng tỉnh nơi có đất, người sử dụng đất không thể thực hiện việc tách thửa đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không quy định hoặc không cho phép tách thửa đất trồng lúa.
Diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp là bao nhiêu?
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, diện tích tối thiểu được phép tách thửa là một trong những điều kiện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa quy định nếu loại đất này được phép tách thửa.
Do bạn chưa nói rõ cho chúng tôi, bạn đang sử dụng loại đất trồng lúa ở tỉnh nào của khu vực miền Bắc nên chúng tôi chưa thể kết luận cụ thể cho bạn tại địa phương đó, diện tích tối thiểu được tách thửa đất nông nghiệp là bao nhiêu.
Chúng tôi có thể gửi đến cho bạn một số thông tin về việc tách thửa đất nông nghiệp ở một số tỉnh miền Bắc và căn cứ pháp lý để bạn tham khảo như sau:
Một là, tỉnh Bắc Kạn hiện không quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp (theo quy định tại Quyết định 49/2017/QĐ-UBND và Quyết định 11/2021/QĐ-UBND);
Hai là, tỉnh Bắc Ninh cho phép tách thửa đất nông nghiệp khi diện tích tối thiểu của mỗi thửa đất nông nghiệp sau khi tách là 360 m2 (Quyết định 15/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh). Điều kiện này được áp dụng chung cho mọi loại đất nông nghiệp, do vậy, đất trồng lúa tại Bắc Ninh được phép tách thửa nếu có diện tích tối thiểu là 360 m2.
Ba là, tỉnh Cao Bằng cho phép tách thửa đất nông nghiệp theo Quyết định 40/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nếu diện tích tối thiểu mỗi thửa đất nông nghiệp sau khi tách là 120 m2 tại khu vực các phường/thị trấn và 200 m2 ở khu vực các xã. Đất trồng lúa cũng là một loại đất nông nghiệp nên sẽ chịu sự điều chỉnh chung theo quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đất nông nghiệp.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về tách thửa đất ruộng, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.