Trong hôn nhân khi có bất kỳ quyết định các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống chung bắt buộc phải có sự đồng ý hay còn gọi là thỏa thuận của cả hai. Vậy nếu vợ hoặc chồng có tài sản riêng mà đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì khi bán đi có cần sự đồng ý của người còn lại?
Vợ phải đồng ý chồng mới được bán tài sản riêng là nguồn sống duy nhất?
Chào bạn, Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình (Luật HNGĐ) quy định cụ thể về việc chiếm hữu sử dụng, định đoạt tài sản riêng.
Theo đó, chồng bạn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Nếu chồng bạn không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bạn có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích chồng bạn.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
Khoản 4 Điều này cũng quy định rằng, trong trường hợp chồng bạn có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của bạn.
Như vậy, chồng bạn muốn bán tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình phải được sự đồng ý của bạn.
Hai trường hợp khác liên quan đến việc định đoạt tài sản cần có sự thỏa thuận của người còn lại.
Trường hợp đầu tiên là khi có giao dịch liên quan đến tài sản là nơi ở duy nhất của gia đình
Căn cứ theo Điều 31 Luật HNGĐ thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
Trường hợp thứ hai là về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (Điều 35 Luật HNGĐ)
Cụ thể, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận và phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp:
- Bất động sản gồm đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đa…
- Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu
- Tài sản đang tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Cách đứng tên tài sản riêng như thế nào?
Chào bạn, tại Nghị quyết số 02/2000 của Hội đồng thẩm phán cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên thì:
- Trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó được xem là tài sản chung của vợ chồng
- Nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng.
Vì theo quy định tài sản vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (theo Điều 33 Luật HNGĐ)
Để thuận lợi trong chứng minh quyền sử dụng đất là tài sản riêng bạn nên nhờ bố mẹ bạn mua và đứng tên căn hộ đó.
Sau đó, bố mẹ bạn tiến hành làm thủ tục tặng, cho hợp pháp căn hộ cho bạn, rồi để tên một mình bạn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ. Lúc này, tài sản được tặng cho là tài sản riêng của bạn và tài sản này nếu sau này có trường hợp ly hôn sẽ không bị tranh chấp, phân chia.
Trên đây là thông tin liên quan đến tài sản riêng là nguồn sống duy nhất. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Vợ có được thừa kế tài sản riêng của chồng hay không?