Tạm giữ và tước giấy phép lái xe đều là những biện pháp được áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính, nghe "có vẻ" giống nhau nhưng lại khác nhau. Cụ thể:
So sánh tạm giữ và tước giấy phép lái xe
Tiêu chí | Tạm giữ giấy phép lái xe | Tước giấy phép lái xe |
Bản chất | - Là hình thức Cảnh sát giao thông giữ giấy phép lái xe của người vi phạm để đảm bảo họ sẽ đến nộp phạt tại kho bạc theo đúng quyết định xử phạt những lỗi đã vi phạm. (khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | - Là hình thức xử phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong quy định. (Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) |
Trường hợp áp dụng | Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với tổ chức hay cá nhân vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lái xe, hoặc các giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện. | Áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông. (Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) |
Thời hạn áp dụng | - Thời hạn áp dụng tạm giữ giấy phép lái xe là trong vòng 07 ngày kể từ ngày tạm giữ; - Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thì có thể kéo dài tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày tạm giữ; - Đối với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có nhiều tình tiết phức tạp, thì có thể tạm giữ tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày tạm giữ. | Thời hạn tước giấy phép lái xe là 01 tháng - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực. |
Hậu quả | Trong thời gian bị tạm giữ, người vi phạm không bị ảnh hưởng về quyền sử dụng giấy phép lái xe. | Trong thời gian bị tước giấy phép lái xe, người vi phạm không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. |
Phân biệt tạm giữ và tước giấy phép lái xe
Bị tạm giữ, tước giấy phép nhưng vẫn lái xe sẽ bị phạt như thế nào?
Xử phạt khi bị tạm giữ giấy phép nhưng vẫn lái xe
Trong thời gian tạm giữ giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn có quyền và được coi là có giấy phép lái xe nên được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nếu sau thời gian tạm giữ, người vi phạm không đến nộp phạt và điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt như vi phạm không có giấy phép lái xe theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Xử phạt khi bị tước giấy phép nhưng vẫn lái xe
Căn cứ khoản 4 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì khi người vi phạm bị tước giấy phép lái xe mà vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy phép lái xe.
Cụ thể, tại Điều 21 Nghị định Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về hình thức xử phạt khi người điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe như sau:
- Đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Bị tước giấy phép mà vẫn lái xe sẽ bị xử phạt theo quy định
4 trường hợp bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng
Tại Khoản 11 Điều 5 Nghị định Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì nếu thuộc một trong 04 trường hợp dưới đây, người vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng:
Trường hợp 1: Người vi phạm có hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Trường hợp 2: Người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Trường hợp 3: Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;
Trường hợp 4: Người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Bị tước giấy phép lái xe có làm lại được không?
Về hậu quả của việc tước giấy phép lái xe, người vi phạm không được quyền lái xe trong thời gian bị tước giấy phép lái xe. Do đó, khi chưa hết thời hạn bị phạt, người vi phạm cũng không được học, thi và cấp giấy phép lái xe mới.
Trên đây là nội dung tư vấn về tạm giữ và tước giấy phép lái xe. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.