hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vì sao test nhanh Covid lại dương tính giả, khắc phục thế nào?

Test nhanh là phương pháp xét nghiệm dễ thực hiện và nhanh nhất để phát hiện một người nhiễm Covid hay không? Tuy nhiên cũng có người test nhanh lại có kết quả dương tính giả, nguyên nhân là gì?

Mục lục bài viết
  • Vì sao có người test nhanh Covid lại dương tính giả?
  • Test nhanh dương tính giả phải làm sao?
  • Bao lâu nên test nhanh Covid 1 lần?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi vì sao việc test nhanh Covid lại có tình trạng cho ra kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả? Có thể khắc phục được không? Và với test nhanh thì bao lâu nên test một lần? Xin cảm ơn!

Vì sao có người test nhanh Covid lại dương tính giả?

Chào bạn, câu hỏi của bạn chắc hẳn cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Chúng tôi thông tin đến bạn như sau:

Thông thường, khi test nhanh nếu:

- Que test hiển thị cả 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T thì đó là dương tính

- Que test chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C, thì là âm tính.

Trong nhiều trường hợp, vạch chữ T chỉ hiển thị màu nhạt, không rõ ràng, dẫn đến việc khó xác định kết quả chính xác hay không.

Điều quan trọng khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, phải lựa chọn loại test nhanh được cấp phép bởi các cơ quan y tế. Đó là những khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Khi dùng kit test cần chú ý đến khung thời gian đọc kết quả, và thời gian đọc xét nghiệm có thể có sự khác nhau giữa các loại kit xét nghiệm nhanh.

Cần đọc kết quả xét nghiệm trong khung thời gian quy định của bộ kit test, nếu hai vạch xuất hiện sau khung thời gian đó, rất có thể là dương tính giả.

Các yếu tố khác có thể gây tác động đến kết quả dương tính giả gồm:

- Vị trí lấy mẫu

- Điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm

- Thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu

- Người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng

- Nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid.

Không chỉ có dương tính giả, kết quả test nhanh còn có thể cho ra âm tính giả. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, giải thích trên VnExpress rằng, người có triệu chứng điển hình của Covid nhưng test nhanh âm tính có thể là đang trong thời gian ủ bệnh hoặc đã nhiễm nhưng nồng độ virus ở mức độ thấp. Vì vậy, test nhanh cho ra kết quả âm tính giả nhưng xét nghiệm PCR lại dương tính.

Mặt khác, việc thao tác tự lấy mẫu test nhanh có thể không đúng cách dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác, cho ra kết quả âm tính giả trong khi thực tế dương tính.

Các nghiên cứu trên thế giới đi đến kết luận là xét nghiệm nhanh ít nhạy hơn đối với chủng Omicron so với chủng Delta, nhất là trong những ngày đầu mắc Covid.

Tuy nhiên, trên Tuổi trẻ, PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đưa ra các giả thiết về việc test nhanh cho sai kết quả như sau:

Hiện nay có rất nhiều loại kit xét nghiệm của nhiều hãng sản xuất, do đó độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại sẽ khác nhau, đồng thời kết quả xét nghiệm nhanh cũng phụ thuộc thời điểm và quy cách lấy mẫu.

Ngoài ra, có nhiều người thật sự không nhiễm COVID-19 và kết quả test nhanh cũng âm tính nhưng họ vẫn nghĩ mình nhiễm, đặc biệt trong thời tiết hiện nay dễ gây ra các bệnh đường hô hấp trên, nhất là ở miền  Bắc.

PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho hay về khoa học, biến chủng Omicron chỉ làm thay đổi về đoạn gene trên protein S, trong khi đó kit xét nghiệm nhanh tác động lên đoạn gene protein E. Do đó, biến chủng này không ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.

Với tốc độ lây lan của biến chủng Omicron, dù người bệnh đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác nhưng test nhanh vẫn âm tính vì có thể kit xét nghiệm cho kết quả chậm, theo nghiên cứu là 1 - 2 ngày.

Vì vậy, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ hay yếu tố dịch tễ nên dùng kit xét nghiệm chất lượng và lấy mẫu đúng cách. Nếu vẫn cần kết quả khẳng định thì mới thực hiện RT-PCR.

test nhanh duong tinh gia phai lam sao

Test nhanh dương tính giả phải làm sao?

Để giảm nguy cơ dương tính giả, ngoài việc chọn mua loại kit test được Bộ Y tế cấp phép, bạn cần phải làm những điều sau trước khi thực hiện test nhanh Covid:

1. Rửa tay thật sạch trước khi thực hiện test

2. Xì mũi, tránh để mũi có quá nhiều dịch mũi dẫn đến kết quả không chính xác

3. Tránh ăn hoặc uống một thời gian ngắn trước khi thực hiện test nhanh

4. Tiến hành lấy mẫu đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ test nhanh.

Và để tránh có kết quả âm tính giả trong bối cảnh Omicron đang dần chiếm ưu thế tại Việt Nam, các bác sĩ có khuyến cáo người có triệu chứng Covid điển hình song xét nghiệm nhanh âm tính cũng không nên chủ quan, cần theo dõi 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.

Nếu người có các triệu chứng trên không phải nhiễm Covid mà do cúm, vẫn nên tuân thủ biện pháp 5K, tránh lây lan cho những người xung quanh.

Bao lâu nên test nhanh Covid 1 lần?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng đã chia sẻ về vấn đề test nhanh như sau:

- Với người có tiền sử tiếp xúc F0, có dấu hiệu nguy cơ

Nếu một người trong nhóm nguy cơ đã tiếp xúc với nhiều F0 trước đó và có thêm các triệu chứng rát họng, ho, người gai rét, ớn lạnh…nên test nhanh hàng ngày để theo dõi.

Khi test nhanh lên cho kết quả dương tính, nhiều khả năng đã bị nhiễm trước đấy khoảng hai ngày. Đối với người đã tiêm đủ vắc xin thì sau 4-5 ngày nhiễm mới test lên hai vạch.

Bên cạnh việc test hàng ngày để kiểm tra, cần theo dõi các triệu chứng của mình, đồng thời tự cách ly với mọi người để đảm bảo an toàn.

- Với người đã trở thành F0

Việc một ngày test tới 2-3 lần, là không cần thiết.

F0 nhẹ điều trị tại nhà, test nhanh cho thấy kết quả: Đầu tiên vạch T sẽ mờ; sau đó hai ngày vạch T sẽ đậm dần lên, đến ngày thứ ba, thứ tư, vạch T rất đậm, sau đó mờ dần.

Với những người bệnh nhẹ, không phải nhập viện điều trị, thì khoảng ngày thứ 6, thứ 7 sau khi nhiễm Covid, test nhanh ra vạch T sẽ mờ và hết hẳn. Người dân cũng có thể dựa vào mức độ đậm nhạt của vạch T để xem đang ở giai đoạn nào của tiến trình Covid. Chỉ cần khoảng 3 ngày test nhanh một lần, ước lượng khoảng ngày thứ 7 hết virus thì test để biết kết quả.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên mua và sử dụng kit xét nghiệm:

- Có nguồn gốc rõ ràng

- Thuộc danh sách sinh phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép

- Có nhãn mác đầy đủ thông tin, tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tránh mua phải hàng giả, nhái, hàng chất lượng.

Nhu cầu sử dụng test nhanh hiện tăng cao, cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn chi tiết trước khi mua, tránh gây lãng phí trong việc mua và sử dụng khi chưa cần thiết.

Hieuluat vừa thông tin về việc test nhanh dương tính giả phải làm sao? Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài  19006192 của chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Chỉ nên sử dụng test nhanh Covid vào thời điểm nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X