hieuluat
Chia sẻ email

Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất?

Chuyển mục đích sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất. Người sử dụng đất mong muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì có thể phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc không cần phải xin phép. Trong trường hợp phải xin phép thì cơ quan nào có thẩm quyền? Trình tự, thủ tục để được chuyển mục đích sử dụng đất như thế nào?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất mong được giải đáp như sau: Tôi có thửa đất trồng lúa đã được cấp Giấy chứng nhận. Hiện nay, tôi muốn nâng cao hiệu quả kinh tế nên có mong muốn được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm. Có người hàng xóm nói với tôi rằng, việc tôi chuyển mục đích sử dụng loại đất này phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có người lại nói với tôi rằng, tôi không cần phải xin phép.

Vậy, Luật sư cho tôi biết, tôi có bắt buộc phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không? Thủ tục để tôi thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất như thế nào?

Chào bạn, liên quan đến thắc mắc của bạn về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chúng tôi giải đáp cụ thể cho bạn như sau:

Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất?

Pháp luật đất đai quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất có thể thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc không cần xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (hay chỉ cần đăng ký biến động quyền sử dụng đất).

Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định về những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép như sau:

Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

=> Suy ra, việc chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm là một trong những trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 59 Luật Đất đai 2013 gồm:

- Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (khoản 2 Điều 59);

- Người sử dụng đất là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao: Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.

Lưu ý:

Trong trường hợp gia đình bạn thực hiện chuyển mục đích sử dụng đối với một phần diện tích của thửa đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm thì căn cứ quy định tại khoản 19 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (sửa đổi bổ sung khoản 10 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT)

10. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thì ghi “Chuyển mục đích sử dụng từ đất… thành đất… (ghi mục đích sử dụng trước và sau khi được chuyển) theo Quyết định số…, ngày …/…/…, hồ sơ số… (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký).

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa và cấp Giấy chứng nhận mới cho từng thửa đất mới sau chia tách.

Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao thì không phải thực hiện thủ tục tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa; trường hợp không tách thửa thì ghi “Chuyển mục đích sử dụng … m2 từ đất… thành đất… (ghi mục đích sử dụng trước và sau khi được chuyển) theo Quyết định số…, ngày …/…/…, hồ sơ số… (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký).

=> Theo đó, gia đình bạn phải thực hiện tách thửa theo quy định pháp luật nếu chỉ mong muốn chuyển mục đích một phần diện tích đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm.

Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm là trường hợp phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất chấp thuận trước khi thực hiện.

tham quyen cho phep chuyen muc dich su dung dat

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thế nào?

Trước hết, việc chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013 như sau:

- Phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

- Phải có nhu cầu phù hợp được thể hiện rõ trong đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu đã được ban hành;

Sau khi đã đảm bảo các quy định chung để được chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất thực hiện việc chuyển mục đích theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có đất.

Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất gồm các tài liệu được quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT gồm:

- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất mẫu số 01 (mẫu đơn được ban hành tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT);

- Giấy chứng nhận đã cấp cho thửa đất trồng lúa của bạn;

Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị thêm Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/sổ hộ khẩu còn thời hạn của mình để nộp cùng hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc chuyên môn và người xin chuyển mục đích sử dụng đất đóng nộp, thuế, phí khi chuyển mục đích sử dụng đất

Cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tiến hành các công việc chuyên môn sau:

- Thẩm tra hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, tiến hành xác minh việc chuyển mục đích sử dụng đất trên thực địa (lập biên bản xác minh thực địa);

- Thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa: Thẩm định diện tích dự định chuyển mục đích, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…;

- Lập phiếu chuyển sang cơ quan thuế có thẩm quyền để tính toán tiền sử dụng đất phải nộp và các loại thuế khác (nếu có). Đồng thời, hướng dẫn người xin chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

- Lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (hồ sơ gồm có các loại giấy tờ như biên bản xác minh thực địa, hồ sơ xin chuyển mục đích của người sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính/trích đo địa chính đối với thửa đất, tờ trình, dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản khác);

- Tiến hành cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính thửa đất;

Người sử dụng đất đóng nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế, phí, lệ phí theo thông báo được nhận.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bạn nhận được Giấy chứng nhận mới (trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi) hoặc Giấy chứng nhận đã được ghi nhận biến động.

Như vậy, trình tự, thủ tục chung để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo các bước mà chúng tôi đã giải đáp ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ​thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất​​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X