hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người nào có thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa?

Thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa là căn cứ để người sử dụng đất thực hiện việc nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa khi được phép chuyển từ đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, mức tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa có sự khác nhau tại mỗi địa phương.

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất ở. Tôi được thông báo rằng, phải nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Vậy Luật sư có thể cho tôi biết ai có thẩm quyền xác định số tiền bảo vệ đất trồng lúa mà gia đình tôi phải nộp? Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là bao nhiêu?

Chào bạn, liên quan đến vướng mắc về thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa của bạn, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Người nào có thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa?

Tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là khoản tiền mà người sử dụng đất phải nộp khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp. Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thực hiện như sau:

Điều 5. Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp

1. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

2. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo đó:

  • Việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thực hiện khi người sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa nước thành đất phi nông nghiệp khác (ví dụ đất ở, đất thương mại dịch vụ,...);

  • Người sử dụng đất đang sử dụng đất trồng lúa được Nhà nước giao, cho thuê và có nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất là những trường hợp phải đóng nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa;

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa là cơ quan có thẩm quyền quyết định mức tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa mà người sử dụng đất phải nộp khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất;

  • Giá đất trồng lúa được sử dụng để tính tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là giá đất được tính theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa ban hành;

Như vậy, khi người sử dụng đất được phép chuyển mục đích đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp thì phải nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Mức tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa quyết định cụ thể.

tham quyen thu tien bao ve phat trien dat trong lua


Mức thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa là bao nhiêu?

Ngoài việc quy định thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa thì khoản 3 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC quy định về mức tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa mà người sử dụng đất phải nộp khi được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp như sau:

3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa.

Trong đó, cụ thể các căn cứ tính tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là:

  • Tỷ lệ phần trăm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa ban hành tùy thuộc điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, tuy nhiên tỉ lệ này không thấp hơn 50%;

  • Diện tích được tính là diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp (diện tích này được ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền);

  • Giá của loại đất trồng lúa được tính theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trồng lúa ban hành và được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Do chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về vị trí thửa đất trồng lúa mà bạn được chuyển mục đích sử dụng nên chúng tôi cung cấp cho bạn mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại một số địa phương như sau:

Ví dụ 1: Tại Hà Nội, số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thu theo Điều 2 Quyết định 4970/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 02/10/2015.

2. Mức tiền phải nộp

Mức tiền phải nộp = Số diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp (x) Giá của loại đất trồng lúa (tính theo Bảng giá đất quy định của UBND Thành phố) quy định tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất (x) 70%.

Ví dụ 2: Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quyết định 35/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Điều 3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp:

1. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa:

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước thì ngoài nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật, còn phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, cụ thể như sau:

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (%) x Diện tích x Giá của loại đất trồng lúa

Trong đó:

a) Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được xác định tùy theo mục đích sử dụng đất sau khi chuyển mục đích như sau:

- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thành đất ở; đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; văn phòng làm việc và cho thuê: Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tính bằng tám mươi phần trăm (80%);

- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; nhà kho, nhà xưởng; hoạt động khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại - dịch vụ bán hàng bình ổn giá; cửa hàng xăng dầu; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; bến cảng, bến tàu, bến phà, bến đò, bến xe, nhà ga: Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tính bằng năm mươi phần trăm (50%).

Ví dụ 3: Khoản 3 Điều 1 Quyết định 04/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định về tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:

3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

3.1. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa xác định như sau:

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (%) x Diện tích x Giá của loại đất trồng lúa

Cụ thể, mức tỷ lệ phần trăm là 50%; Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh); Giá của loại đất trồng lúa tính được theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành, đang được áp dụng tại thời điểm được phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, tùy thuộc từng tỉnh, thành phố mà mức tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được quy định khác nhau. Căn cứ vào những giải đáp của chúng tôi ở trên, bạn lựa đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

Cũng cần lưu ý, khi người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì ngoài tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, người sử dụng đất còn phải nộp các khoản tiền khác như tiền sử dụng đất, tiền thuế sử dụng đất (nếu có), phí thẩm định hồ sơ....khi được chuyển mục đích sử dụng.

Chi tiết, xem thêm: Phí chuyển đổi đất lúa sang đất ở là bao nhiêu?

Trên đây là giải đáp về thẩm quyền thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X