hieuluat
Chia sẻ email

Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm?

Thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm là của cơ quan nào? Tố giác là gì? Đơn tố giác là đơn gì? … Những vấn đề xoay quanh việc tố giác tội phạm được HieuLuat giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Hiểu thế nào là tố giác? Đơn tố giác tội phạm là đơn gì? 
  • Thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm là của cơ quan nào?
  • Tố cáo trong tố giác tội phạm khác gì với tố cáo theo Luật Tố cáo 2018?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi nghe thấy thông tin trên báo đài về việc thấy có tội phạm thì tố giác, nhưng tôi chưa hiểu rõ tố giác tội phạm là gì? Đơn tố giác có mẫu không? Và khi tố giác thì tôi phải đến cơ quan nào để được tiếp nhận?

Chào bạn, xoay quanh vấn đề đơn tố giác tội phạm và thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Hiểu thế nào là tố giác? Đơn tố giác tội phạm là đơn gì? 

Trước hết, tố giác tội phạm là hành vi của cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

=> Theo đó, tố giác tội phạm có một số đặc điểm đáng chú ý là:

+ Là hành vi của cá nhân: Hành vi của cá nhân là chủ động và có thể là bất kỳ cá nhân nào trong xã hội, không phân biệt công việc, nơi ở, trình độ học vấn…;

+ Cá nhân này có phát hiện và thực hiện tố cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định về những hành vi có dấu hiệu tội phạm: Điều này có nghĩa là cá nhân chỉ cần nghi ngờ, có căn cứ nhận thấy có thể phát sinh tội phạm là có thể thực hiện tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

+ Được lập thành văn bản hoặc chỉ thực hiện thông qua lời nói: Nếu là lời nói thì thông tin này phải được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và ghi vào sổ tiếp nhận. Việc tiếp nhận thông tin tố giác có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định pháp luật.

Đơn tố giác tội phạm được hiểu là văn bản thể hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội của cá nhân và việc tố cáo hành vi này với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, đơn tố giác tội phạm chưa được ban hành mẫu, vậy nên, khi thực hiện việc tố giác tội phạm, cá nhân có thể dựa trên trình tự thời gian diễn ra vụ việc/hành vi vi phạm pháp luật để trình bày đơn.

Đơn tố giác tội phạm cũng có thể được có tên khác là đơn trình báo tội phạm. Về nội dung, hai loại đơn này đều có cùng nội dung.

Như vậy, tố giác tội phạm là cá nhân chủ động tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngay khi phát hiện. Tố giác tội phạm có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc thông qua đơn tố giác tội phạm/đơn trình báo.

tham quyen tiep nhan don to giac toi pham

Thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm là của cơ quan nào?

Điều 145 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của cá nhân như sau:

Một là, cơ quan điều tra

Cơ quan điều tra cơ quan công an cấp có thẩm quyền, cơ quan an ninh điều tra công an cấp có thẩm quyền (trừ đội an ninh điều tra cấp huyện) có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

Khoản 5 Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra được phân cấp theo thẩm quyền xét xử của Tòa án, ví dụ:

+ Cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;

+ Hoặc Cơ quan điều tra quân sự khu vực có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực;

+ Hoặc Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh/hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương/hoặc hành vi phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Hai là, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có các cơ quan của Bộ đội biên phòng, các cơ quan của Hải quan, các cơ quan của Kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan của Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan này có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

Ba là, Viện kiểm sát các cấp

Viện kiểm sát các cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:

b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.

Bốn là, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Hoặc Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác

Đây là những cơ quan được pháp luật trao quyền tiếp nhận tố giác tội phạm. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin tố giác về tội phạm, các cơ quan này có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giải quyết tin tố giác tội phạm theo thủ tục luật định.

Như vậy, có 4 cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra hoặc một số cơ quan được trao quyền khác như cơ quan công an xã/đồn công an…

Tố cáo trong tố giác tội phạm khác gì với tố cáo theo Luật Tố cáo 2018?

Tố cáo trong tố giác tội phạm không giống với tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo 2018 ở đặc điểm, tố cáo trong tố giác tội phạm là hành vi của một cá nhân khi phát hiện có người có dấu hiệu về hành vi có thể vi phạm pháp luật hình sự, là một tội phạm là có thể tố cáo.

Còn tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo là việc cá nhân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (có thể bao gồm cả vi phạm về pháp luật hình sự…) thì có quyền báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết. Luật Tố cáo 2018 chỉ rõ có 2 nguồn hành vi vi phạm để cá nhân thực hiện quyền tố cáo theo quy định pháp luật là:

+ Cá nhân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ: Áp dụng đối với các hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ, công vụ;

+ Cá nhân cũng có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Việc quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà có vi phạm pháp luật đều là đối tượng được quyền tố cáo của cá nhân.

Suy ra, tố cáo của cá nhân trong tố giác tội phạm và tố cáo theo Luật Tố cáo 2018 được pháp luật quy định về phạm vi được thực hiện khác nhau.

Ngoài ra, trong tố giác tội phạm cũng có một số những định nghĩa có liên quan như sau:

+ Tin báo về tội phạm: Đây là những thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền (thường được hiểu là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xử lý) hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng (ví dụ thông quan qua báo, đài, chương trình truyền hình, …). Đây cũng là nguồn tin để cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành xác minh, xử lý tội phạm theo quy định;

+ Kiến nghị khởi tố: Đây là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm (ví dụ là Ủy ban nhân dân, cơ quan thanh tra các cấp, các ngành; Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp;...)

Như vậy, về bản chất việc tố cáo trong tố giác tội phạm là hành vi của cá nhân khi phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của người khác, còn tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo 2018 là việc tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước hoặc trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ của cá nhân có thẩm quyền, chức vụ.

Trên đây là giải đáp về thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đơn tố giác tội phạm nặc danh có được tiếp nhận không?

>> Đường dây nóng tố giác tội phạm Bộ Công an là số nào?

Có thể bạn quan tâm

X