hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 29/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là gì?

Thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là việc nhà nước bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước cho người dân có nhu cầu và thuộc đối tượng được mua. Vậy, cụ thể điều kiện được thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là gì và những trường hợp nào được nhận thanh lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước? HieuLuat sẽ giải đáp vấn đề trên trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi đang sử dụng căn hộ tập thể thuộc sở hữu nhà nước (gia đình tôi đang thuê, bố mẹ tôi là người ký hợp đồng thuê này). Tôi có nghe được thông tin Nhà nước bán thanh lý căn nhà gia đình tôi đang ở. Gia đình tôi muốn mua căn nhà này thì có được không thưa Luật sư? Và để được bán căn nhà ở thuộc sở hữu này thì phải đảm bảo điều kiện gì?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Điều kiện thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là gì?

- Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là những loại nhà được quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở 2014, bao gồm:

+ Nhà ở công vụ do nhà nước đầu tư xây dựng/hoặc mua bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước/hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước theo luật định;

+ Nhà ở để phục vụ tái định cư mà nguồn vốn đầu tư xây dựng lấy từ ngân sách nhà nước/hoặc bằng một trong những nguồn vốn được quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Nhà ở 2014 như công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức,...;

+ Nhà ở xã hội được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc một trong những nguồn vốn được quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở 2014 như công trái quốc gia, vốn ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước,...;

+ Nhà ở cũ được đầu tư bởi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước/hoặc có nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước/hoặc được xác lập là thuộc sở hữu nhà nước nhưng đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định pháp luật.

- Thông thường, thanh lý được hiểu là việc chủ sở hữu tài sản bán tài sản khi khi không còn nhu cầu sử dụng. Hiện nay, pháp luật về nhà ở không định nghĩa và không quy định thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Thay vào đó, pháp luật quy định về việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thông qua các hợp đồng thuê mua hoặc mua. Việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 83 Luật Nhà ở 2014, khoản 3 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Một là, đảm bảo điều kiện chung là không thuộc các trường hợp bị khiếu kiện, tranh chấp về quyền sử dụng và thuộc diện/trường hợp được phép bán/cho thuê mua theo quy định pháp luật

Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được bán thông qua hình thức thuê mua/mua đều phải đảm bảo điều kiện tiên quyết là không có khiếu kiện (khởi kiện, khiếu nại) hoặc không bị tranh chấp về quyền sử dụng và phải thuộc trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bán/cho thuê mua.

Hai là, trường hợp bán nhà ở/hoặc nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng trước ngày 05/7/1994 thì phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

+ Phải hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và ký hợp đồng thuê nhà ở trước khi bán nhà ở cũ nếu đây là căn nhà được quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị quyết 23/2003/QH11 và Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11;

Đây là những căn nhà ở cũ được xác lập chế độ sở hữu toàn dân trong giai đoạn thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/07/1991;

+ Nhà ở không thuộc trường hợp không được bán theo quy định tại Điều 62 Nghị định 99/2015/NĐ-CP như nhà có nguy cơ hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhà ở nằm trong diện không được bán theo báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…;

+ Nếu nhà được bán thuộc trường hợp không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí làm nhà ở từ trước 05/7/1994 thì phải đảm bảo thêm quy định tại điểm d khoản 3 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:

d) Trường hợp bán nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994 thì nhà ở này phải đảm bảo các điều kiện: Khu đất đã bố trí làm nhà ở đó có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trụ sở, cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh; cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà ở này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng diện tích nhà ở này phải chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đó quản lý để thực hiện bán theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp nhà ở do Bộ Quốc phòng đang quản lý.

Ba là, điều kiện bán nhà ở hoặc nhà không có nguồn gốc là nhà ở mà được bố trí sử dụng là nhà ở từ 5/7/1994 đến trước ngày 19/1/2007 theo quy định tại khoản 4 điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Để được bán loại nhà này thì nhà ở phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 70 Nghị định 99/2015/NĐ-CP bao gồm cụ thể như sau:

Nhà ở, nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng bố trí cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để ở trong khoảng thời gian từ ngày 05/7/1994 đến trước ngày 19/01/2007 (bao gồm cả nhà ở thuộc diện xác lập sở hữu toàn dân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)

Nhà ở, nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng bố trí làm nhà ở từ 05/7/1994 đến trước ngày 19/01/2007 mà không đủ điều kiện bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 70 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Điều kiện bán

- Người mua đảm bảo các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và nhà ở được bán đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (điểm a khoản 1 Điều 70 Nghị định 99/2015/NĐ-CP);

- Tính giá bán nhà ở: Giá bán nhà ở phải bao gồm cả tiền nhà và tiền sử dụng đất;

+ Tiền sử dụng đất được tính bằng 100% giá đất theo bảng giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà ở (không phân biệt diện tích đất trong, ngoài hạn mức và bao gồm cả diện tích đất tính tiền sử dụng đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất k);

+ Tiền nhà được xác định theo tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở (x) giá chuẩn nhà ở xây dựng mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ban hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và (x) với diện tích sử dụng; hoặc giá trị còn lại của nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;

Việc bán nhà ở được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về quản lý tài sản nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

Căn cứ pháp lý

Khoản 1 Điều 70 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Khoản 2 Điều 70 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Bốn là, đối với nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng với mục đích để ở trước 5/7/1994 mà không đủ điều kiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 63 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và nhà ở được sắp xếp sử dụng làm nhà ở từ ngày 19/01/2007

Điều kiện để được mua bán nhà ở cũ trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài sản là nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, ví dụ như không có khiếu nại, khiếu kiện, không thuộc trường hợp không được bán,...

Như vậy, tùy thuộc vào thời điểm được sử dụng là nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và nguồn gốc của nhà ở mà điều kiện để bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có sự khác biệt. Bạn có thể liên hệ với cơ quan quản lý nhà ở mà bố mẹ bạn đã ký hợp đồng và đối chiếu với thông tin về nhà ở của gia đình mình với những quy định pháp luật mà chúng tôi đã nêu trên để có đáp án phù hợp.

thanh ly nha o thuoc so huu nha nuoc


Trường hợp nào được nhận thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước?

Đối tượng được nhận thanh lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước hay trong trường hợp này là người được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là những người thỏa mãn đồng thời các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Nhà ở 2014, khoản 1 Điều 63 Nghị định 99/2015, gồm có:

+ Người đang sử dụng thực tế nhà ở (là những người thuộc đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, hiện đang sử dụng nhà) và có nhu cầu mua nhà ở:

Đây là các đối tượng được bố trí sử dụng nhà ở từ trước ngày 27/11/1992 (ngày ban hành Quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương) và các đối tượng được bố trí nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ví dụ như nhà ở được phân phối cho cán bộ, công nhân viên thuê theo Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ… (trừ trường hợp chiếm dụng nhà ở trái pháp luật);

+ Những người này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;

+ Ngoài ra, người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước phải có đầy đủ hồ sơ mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và thực hiện cấp sổ hồng cho nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định pháp luật;

Như vậy, đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là những người đang thực tế sử dụng nhà ở và có nhu cầu mua nhà ở, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho việc mua nhà ở.

Trên đây là giải đáp về thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

>> Giá bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là bao nhiêu?

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X