Thanh lý tài sản vi phạm hành chính là thanh lý các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Các hình thức thanh lý tài sản vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính mà bị tịch thu thì tang vật, phương tiện đó sẽ là tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Việc thanh lý tài sản vi phạm hành chính trong trường hợp tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân được quy định tại Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP như sau:
- Hình thức 1: Bán đấu giá
- Hình thức 2: Chỉ định, niêm yết giá
- Hình thức 3: Tiêu hủy tài sản
Tổ chức thanh lý tài sản vi phạm hành chính
Thanh lý tài sản vi phạm hành chính thông qua đấu giá
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC, việc thanh lý tài sản vi phạm hành chính thông qua đấu giá được thực hiện như sau:
- Bên chủ trì quản lý tài sản ký kết hợp đồng đấu giá với bên tổ chức đấu giá hoặc tự thành lập Hội đồng đấu giá tài sản nếu không thuê được tổ chức đấu tài sản.
- Giá trị của tài sản vi phạm hành chính (tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) được xác định là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.
- Nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau, bên chủ trì quản lý tài sản bắt buộc phải thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm tài sản:
+ Tài sản vi phạm hành chính chuyển giao để đấu giá nhưng chưa được xác định giá trị tài sản;
+ Thời điểm dự kiến tổ chức đấu giá tài sản vượt quá 60 ngày kể từ ngày xác định được giá trị của tài sản vi phạm hành chính;
+ Giá trị tài sản vi phạm hành chính đã được xác định chênh lệch cao hoặc thấp hơn trên 10% so với giá của các tài sản cùng loại tại thời điểm chuyển giao tài sản để đấu giá.
Quy trình thanh lý tài sản vi phạm hành chính thông qua đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, cụ thể như sau:
- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói: Điều 40 Luật đấu giá tài sản 2016
Bước 1. Giới thiệu và công bố danh sách chủ thể tham gia đấu giá tài sản, điểm danh;
Bước 2. Đọc Quy chế buổi đấu giá tài sản;
Bước 3. Giới thiệu chi tiết về từng tài sản đấu giá;
Bước 4. Nhắc lại về mức giá khởi điểm (nếu có công khai giá khởi điểm);
Bước 5. Thông báo về bước giá nhảy và thời gian chờ tối đa giữa các lần trả giá;
Bước 6. Phát số cho chủ thể tham gia đấu giá tài sản;
Bước 7. Hướng dẫn chi tiết về cách trả giá, chấp nhận giá và giải đáp thắc mắc của các chủ thể tham gia đấu giá;
Bước 8. Điều hành việc trả giá và chấp nhận giá.
- Đấu giá trực tiếp bằng bỏ phiếu: Điều 41 Luật đấu giá tài sản 2016
Thực hiện từ Bước 1 - Bước 7 như trên. Sau đó tiếp tục thực hiện theo quy trình sau:
Bước 8: Nhắc lại yêu cầu về phiếu trả giá hợp lệ và thời gian để các chủ thể tham gia đấu giá ghi phiếu;
Bước 9: Điều hành việc trả giá và chấp nhận giá.
- Đấu giá gián tiếp bằng bỏ phiếu: Điều 42 Luật đấu giá tài sản 2016
Bước 1: Chủ thể tham gia đấu giá nhận phiếu trả giá, hướng dẫn cách điền phiếu, thời hạn nộp phiếu và buổi công bố giá.
Đồng thời, được tổ chức đấu giá giới thiệu chi tiết thông tin của từng tài sản đấu giá, giá khởi điểm (nếu có công khai) và được giải đáp các thắc mắc, câu hỏi.
Bước 2: Chủ thể tham gia đấu giá tài sản gửi Phiếu trả giá đến tổ chức đấu giá thông qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp. Sau khi nhận được Phiếu trả giá, tổ chức đấu giá tài sản bỏ phiếu vào thùng.
Bước 3. Tại buổi công bố giá đã trả trên Phiếu trả giá của chủ thể tham gia đấu giá, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá thực hiện lần lượt Bước 1 và Bước 2 như đấu giá trực tiếp.
Bước 4. Tiếp theo, đấu giá viên công bố số phiếu phát ra, số phiếu thu về.
Bước 5: Đấu giá viên mời chủ thể tham gia đấu giá (ít nhất 01 người) giám sát và xác nhận sự nguyên vẹn của thùng phiếu, sau đó tiến hành bỏ niêm phong.
Bước 6: Đấu giá viên mời chủ thể tham gia đấu giá (ít nhất 01 người) giám sát và xác nhận sự nguyên vẹn của các phiếu trả giá. Sau đó tiến hành bóc từng phiếu, công bố tổng phiếu hợp lệ và không hợp lệ, công bố từng giá phiếu và giá phiếu cao nhất. Sau cùng là công bố người có phiếu trả giá cao nhất (người trúng đấu giá).
Đấu giá tài sản vi phạm hành chính
Thanh lý tài sản vi phạm hành chính thông qua bán, niêm yết giá
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC, tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu được thanh lý thông qua hình thức bán chỉ đinh, niêm yết giá như sau:
- Phạm vi áp dụng: Hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng nhưng vẫn còn giá trị sử dụng như: thực phẩm tươi sống, dễ ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ; thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật còn HSD dưới 60 ngày; thực phẩm đã qua chế biến còn HSD dưới 30 ngày; hàng hóa theo thời vụ, hàng điện tử và các loại hàng hoá, vật phẩm khác.
- Giá bán trong trường hợp này sẽ do đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác định căn cứ theo quy định pháp luật và chất lượng của tài sản.
- Tài sản vi phạm hành chính là hàng hóa thuộc các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như hàng dễ cháy, nổ, thuốc chỉ được phép bán cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề tương ứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thanh lý tài sản vi phạm hành chính theo hình thức tiêu hủy
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC, đối với tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng nhưng không còn giá trị sử dụng, đơn vị chủ trì quản lý tài sản sẽ có trách nhiệm thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy tài sản.
Hội đồng xử lý bao gồm:
+ Người ra quyết định tịch thu/người được uỷ quyền làm Chủ tịch;
+ Các thành viên khác: Đại diện cơ quan tài chính (cùng cấp; địa bàn xảy ra hành vi vi phạm); đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan.
Trên đây là các hình thức cơ quan nhà nước tổ chức thanh lý tài sản vi phạm hành chính của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nếu Quý bạn đọc cond bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ chúng tôi qua đường dây nóng 19006192.