hieuluat
Chia sẻ email

Thành phần hồ sơ địa chính gồm những gì? Xin trích lục hồ sơ địa chính ở đâu?

Hồ sơ địa chính có giá trị rất quan trọng đối với cả người sử dụng đất và cơ quan quản lý Nhà nước. Người sử dụng đất thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong hồ sơ địa chính tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ địa chính gồm những thành phần nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau: Thành phần của hồ sơ địa chính gồm những tài liệu nào? Mong nhận được giải đáp của Luật sư. Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp, dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Căn cứ Điều 4 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, thành phần của hồ sơ địa chính được quy định như sau:

Thứ nhất, đối với địa phương xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính (hồ sơ địa chính được lập dưới dạng số và lưu trong cơ sở dữ liệu đất đai), hồ sơ địa chính gồm:

- Tài liệu điều tra đo đạc địa chính: Gồm bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai.

Trong đó:

+ Bản đồ địa chính thể hiện vị trí, ranh giới, diện tích các thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; được lập để đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các nội dung khác của quản lý nhà nước về đất đai.

+ Sổ mục kê đất đai là kết quả của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm: Số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.

- Sổ địa chính (được lập để ghi nhận kết quả đăng ký, làm cơ sở để xác định tình trạng pháp lý và giám sát, bảo hộ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai).

Trên thực tế, rất nhiều tranh chấp đất đai phát sinh do có sự khác biệt về số liệu đất đai (diện tích, loại đất,...) tại sổ địa chính và sổ mục kê. Do vậy, căn cứ vào ý nghĩa, mục đích của từng loại giấy tờ, quy định về việc thống nhất thông tin của các thành phần của hồ sơ địa chính và Giấy chứng nhận đã cấp để giải quyết các tranh chấp này.

Xem thêm: Phân biệt sổ địa chính và sổ mục kê đất đai 

- Bản lưu Giấy chứng nhận.

Thứ hai, đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính gồm có:

- Bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, bản lưu Giấy chứng nhận lập dưới dạng giấy và dạng số (nếu có);

- Sổ địa chính lập dưới dạng giấy hoặc dạng số;

- Sổ theo dõi biến động đất đai lập dưới dạng giấy.

Kết luận: Như vậy, hồ sơ địa chính gồm có bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính, bản lưu Giấy chứng nhận, sổ theo dõi biến động đất đai. Căn cứ các thông tin được lập, cập nhật, chính lý trong hồ sơ địa chính, cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất, cơ quan/tổ chức có liên quan có các dữ liệu chính xác, kịp thời để giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai.

thanh phan ho so dia chinh

Xin trích lục bản đồ địa chính ở đâu? (Ảnh minh họa)


Xin trích lục hồ sơ địa chính thế nào?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có đọc được trên báo và thấy thông tin mình có thể xin được các thông tin về quá trình sử dụng đất của mình qua các thời kỳ. Vậy, HieuLuat cho tôi được biết, tôi thực hiện thủ tục này thế nào? Xin cảm ơn.

Chào bạn, HieuLuat đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Thông tin về hồ sơ địa chính mà thường được xin cung cấp như: trích lục bản đồ địa chính, tình trạng pháp lý của thửa đất, thông tin về người sử dụng đất, thông tin về quá trình sử dụng đất, quy hoạch, giao dịch bảo đảm… Tùy vào mục đích sử dụng là dùng để làm căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất trong vụ việc tranh chấp hay sử dụng để xem xét tính chất pháp lý của thửa đất trước khi tham gia giao dịch...mà người yêu cầu có thể xin cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các thông tin có trong hồ sơ địa chính.

Điều 12 Thông tư Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định về trình tự, thủ tục xin cung cấp thông tin về đất đai như sau:

Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai mẫu 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT

Kèm theo phiếu yêu cầu, người yêu cầu cũng nên chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:

- Bản sao giấy tờ tùy thân còn thời hạn sử dụng (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu);

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp xã/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tại Hà Nội, người yêu cầu có thể xin cung cấp thông tin về các dữ liệu của hồ sơ địa chính tại Trung tâm công nghệ thông tin Tài nguyên Môi trường Hà Nội (địa chỉ tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu: Tầng 1, tòa nhà N01, Số nhà 7A, đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch,quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Bước 2: Tiếp nhận, xử lý yêu cầu

Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai (Ủy ban nhân dân cấp xã/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.

Bước 3: Trả kết quả

Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

Nghĩa vụ tài chính là phí và chi phí phải trả cho việc cung cấp dữ liệu đất đai gồm: Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; Chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu; Chi phí gửi tài liệu (nếu có). Chi phí này được cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thông báo trực tiếp cho người yêu cầu.

Mức phí, lệ phí này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ban hành. Ví dụ Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND (mức phí này được thu đối với khu vực quận/huyện/thi xã là 15.000 đồng/văn bản, ở khu vực khác là 7.000 đồng/văn bản, tổ chức là 30.000 đồng/văn bản),...

Lưu ý: Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:

+ Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;

+  Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.

 Mẫu phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai 01/PYC 

Mẫu số 01/PYC

(Kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………., ngày ….. tháng ….. năm ………

PHẦN GHI CỦA NGƯỜI NHẬN HỒ SƠ

Vào sổ tiếp nhận hồ sơ: ……… Giờ … phút, ngày …/…/… Quyển số …….. Số thứ tự ……………

Người nhận hồ sơ
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHIẾU YÊU CẦU CUNG CẤP DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI

Kính gửi: …………………………………………………………..

1. Tên tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu:

..................................................................................................................................

Đại diện là ông (bà) ……………………………. Số CMTND/Hộ chiếu .....................

cấp ngày …../…../……. tại ……………………; Quốc tịch ........................................

2. Địa chỉ: .................................................................................................................

..................................................................................................................................

3. Số điện thoại ……………………; fax …………………; E-mail: ............................ ;

4. Danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp của Thửa đất số ………………………………, địa chỉ

Đánh dấu "X" vào nội dung cần cung cấp thông tin):

Thửa đất (1)

□ Người sử dụng đất (2)

□ Quyền sử dụng đất

□ Tài sản gắn liều với đất

□ Tình trạng pháp lý

□ Lịch sử biến động

□ Quy hoạch sử dụng đất

□ Trích lục bản đồ

□ Trích sao GCNQSDĐ

□ Giao dịch đảm bảo

□ Hạn chế về quyền

□ Giá đất

□ Tất cả thông tin trên

5. Mục đích sử dụng dữ liệu:

.......................................................................................................................................

6. Hình thức khai thác, sử dụng và phương thức nhận kết quả: ....................................... bộ

Bản giấy sao chụp

□ Gửi EMS theo địa chỉ

□ Nhận tại nơi cung cấp

□ Fax

□ Lưu trữ điện tử USB, CD

□ Email

7. Cam kết sử dụng dữ liệu: Tôi cam đoan không sử dụng dữ liệu được cung cấp trái với quy định của pháp luật và không cung cấp cho bất kỳ bên thứ ba nào khác.

 NGƯỜI YÊU CẦU
(Ký, ghi rõ họ tên

và đóng dấu nếu là cơ quan, tổ chức)

(1) Dữ liệu Thửa đất bao gồm: Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ địa chính, diện tích, địa chỉ.

(2) Dữ liệu Người sử dụng đất bao gồm: Họ tên vợ chồng, năm sinh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ.

Kết luận: Hồ sơ địa chính bao gồm sổ địa chính, sổ mục kê, bản đồ địa chính, bản lưu giấy chứng nhận, sổ theo dõi biến động đất đai. Người sử dụng đất có yêu xin được cung cấp thông tin liên quan đến thửa đất cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện xin cung cấp thông tin đất đai tại cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân, văn phòng đăng ký đất đai…).

Xem tiếp: Trích đo địa chính là gì? Ai được quyền trích đo?

Trên đây là giải đáp các thắc mắc về thành phần hồ sơ địa chính, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Hồ sơ địa chính là gì?

>> Xin trích lục bản đồ địa chính online thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X