Việc thay đổi chủ hộ giữa các thành viên trong gia đình khá phổ biến. Vậy khi thay đổi chủ hộ, có cần đồng thời thay đổi người đại diện đứng tên Sổ đỏ không?
Thế nào là chủ hộ? Chủ hộ có quyền gì về đất đai?
Tại khoản 4 Điều 10 Luật Cư trú 2020 quy định về chủ hộ như sau:
“Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.
Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.”
Như vậy, người đứng tên chủ hộ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử, theo đó:
- Trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử;
- Trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.
- Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.
Mặt khác, theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT:
c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.
Theo quy định trên, trường hợp chủ hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung với những thành viên khác thì được ghi tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thay đổi chủ hộ có ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất không? (Ảnh minh họa)
Thay đổi chủ hộ có cần thay đổi người đứng tên Sổ đỏ không?
Trước tiên, cần hiểu Sổ hộ khẩu là giấy tờ quản lý hành chính, có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Trong khi đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, việc bạn đứng tên là chủ hộ sẽ không ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất do bố bạn đứng tên. Với đất hộ gia đình, các thành viên có tên trong Sổ đỏ đều có quyền sử dụng đất.
Hơn nữa, căn cứ theo khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014, việc thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
- Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
- Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.
Như vậy, trường hợp đổi tên chủ hộ không thuộc trường hợp bắt buộc phải cấp đổi Sổ đỏ. Quyền sử dụng đất của các thành viên không bị ảnh hưởng khi thay đổi chủ hộ.
Tuy nhiên, thông thường khi thực hiện các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất như mua bán, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chủ hộ sẽ đứng ra để đại diện ký tên trong các giấy tờ. Do vậy, để thuận lợi trong quá trình sử dụng đất bạn có thể thay đổi tên người đại diện trên Sổ đỏ hộ gia đình.
Thay đổi chủ hộ từ 01/7/2021 cần giấy tờ gì?
Khoản 1 Điều 10 Thông tư 55/TT-BCA quy định như sau:
1. Trường hợp có sự thay đổi về chủ hộ thì phải có ý kiến của chủ hộ trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản) hoặc ý kiến thống nhất đề cử của các thành viên trong hộ gia đình hoặc văn bản của Tòa án quyết định chủ hộ. Trường hợp chủ hộ chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì ngoài ý kiến thống nhất đề cử của các thành viên hộ gia đình phải có thêm Giấy chứng tử hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
Từ ngày 01/7/2021 khi Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực sẽ không cấp mới Sổ hộ khẩu. Thay vào đó, trường hợp có thay đổi thông tin hộ khẩu sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trường hợp bạn có nhu cầu thay đổi chủ hộ cần chuẩn bị các giấy tờ, trong đó có:
- Ý kiến của chủ hộ trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản); hoặc
- Ý kiến thống nhất đề cử của các thành viên trong hộ gia đình; hoặc
- Văn bản của Tòa án quyết định chủ hộ.
Trường hợp chủ hộ chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì ngoài ý kiến thống nhất đề cử của các thành viên hộ gia đình phải có thêm Giấy chứng tử hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
Trên đây là giải đáp về thay đổi chủ hộ có ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.