Được thế chấp quyền sử dụng đất thuê không? Nếu không trả được nợ thì quyền sử dụng đất thuê bị xử lý ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi pháp luật hiện hành có cho phép thế chấp quyền sử dụng đất thuê hay không?
Trong trường hợp không trả được nợ thì quyền sử dụng đất thuê sẽ bị xử lý như thế nào?
Chào bạn, xoay quanh vướng mắc về vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất thuê, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Thế chấp quyền sử dụng đất thuê có được không?
Trước hết, do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin nên chúng tôi dự đoán có một số tình huống về loại đất thuê thực hiện thế chấp phát sinh trên thực tế như sau:
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm;
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê;
Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất;
Trong số 3 loại đất thuê nêu trên thì chỉ có đất thuê trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê mới được thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Cụ thể như sau:
Loại đất thuê | Thế chấp quyền sử dụng đất thuê | Lý do |
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm | Không được thế chấp quyền sử dụng đất | Do điểm b khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai chỉ cho phép người sử dụng đất được quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê được thế chấp mà không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất thuê |
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê | Được thế chấp quyền sử dụng đất |
|
Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất | Không được thế chấp quyền sử dụng đất | Do người sử dụng đất không được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, vậy nên, không thỏa mãn điều kiện được thế chấp quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật Đất đai |
Như vậy, pháp luật đất đai cho phép được thế chấp quyền sử dụng đất thuê có nguồn gốc được Nhà nước cho thuê mà trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê.
Ngoài trường hợp này, các trường hợp thuê đất khác đều không được phép thế chấp quyền sử dụng đất.
Xem tiếp: Thế chấp nhà mà không thế chấp đất được không?
Không trả được nợ, xử lý đất thuê đã thế chấp thế nào?
Khi không trả được nợ vay ngân hàng, ngân hàng được phép thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, phương thức xử lý tài sản thế chấp được các bên thỏa thuận, ghi nhận trong hợp đồng thế chấp tài sản và thuộc một trong các phương thức quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Bán đấu giá tài sản;
Ngân hàng tự bán tài sản thế chấp;
Ngân hàng nhận tài sản thế chấp để thay thế cho việc trả nợ của người vay;
Phương thức khác theo thỏa thuận;
Lưu ý rằng, nếu bên thế chấp và bên nhận thế chấp không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá.
Điều này cũng có nghĩa rằng, quyền sử dụng đất thuê được xử lý theo một trong những cách quy định tại Điều 303 nếu các bên có thỏa thuận hoặc được bán đấu giá nếu các bên không thỏa thuận khi bên vay không trả được khoản vay tại ngân hàng.
Thông thường, trình tự xử lý tài sản thế chấp như sau:
Bước 1: Ngân hàng thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp
Bước 2: Bên thế chấp giao tài sản thế chấp để xử lý
Bước 3: Thực hiện giải quyết, xử lý tài sản thế chấp theo một trong những cách đã thỏa thuận và theo quy định pháp luật
Bước 4: Xóa đăng ký thế chấp sau khi đã xử lý
Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp khi thực hiện xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thuê, các bên có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Trình tự giải quyết trong trường hợp có tranh chấp khi xử lý tài sản thế chấp như sau:
Bước 1: Gửi đơn khởi kiện kèm hồ sơ khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện
Bước 3: Thi hành án theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Như vậy, khi thế chấp quyền sử dụng đất thuê mà người vay không trả được nợ đã vay cho ngân hàng thì theo quy định, ngân hàng có căn cứ xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất đã thế chấp.
Việc xử lý do các bên thỏa thuận và có thể được thực hiện thông qua việc bán đấu giá, nhận lại tài sản đã thế chấp để bù trừ nghĩa vụ…
Trên đây là giải đáp về thế chấp quyền sử dụng đất thuê, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.