Hiểu thế nào là đất nông nghiệp? Đất nông nghiệp được phân loại ra sao? Có được phép xây nhà để ở trên đất nông nghiệp không? Nếu cố tình xây dựng nhà ở thì bị xử phạt thế nào?... Những câu hỏi xoay quanh đất nông nghiệp trên đây là các vấn đề đang ngày trở nên phổ biến mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ được. HieuLuat cung cấp cho bạn đọc thông tin cơ bản về đất nông nghiệp là gì theo quy định pháp luật trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến đất nông nghiệp mong được giải đáp như sau: Hiểu thế nào là đất nông nghiệp? Phân loại đất nông nghiệp ra sao? Nếu tôi muốn xây nhà trên đất nông nghiệp thì có được không?
Chào bạn, xoay quanh vấn đề hiểu thế nào là đất nông nghiệp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Thế nào là đất nông nghiệp? Phân loại thế nào?
Dựa trên mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai 2013 phân loại đất thành 3 loại là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.
Trong đó, đất nông nghiệp được hiểu là đất sử dụng với mục đích nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hoặc sử dụng với mục đích nông nghiệp khác như làm đất ươm cây giống, trồng hoa, cây cảnh… Đất nông nghiệp là loại đất vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu các loại đất ở nước ta hiện nay.
Việc phân loại đất nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 như sau:
Một là, đất trồng cây hàng năm: Đất trồng cây hàng năm gồm có đất trồng lúa (đất trồng lúa 2 vụ một năm, đất trồng lúa 1 vụ một năm, đất trồng lúa nương) và đất trồng cây hàng năm khác (ví dụ trồng ngô, khoai, sắn, rau…);
Hai là, đất trồng cây lâu năm: Đất trồng các loại cây lấy gỗ như bạch đàn, keo, trầm hương, sưa, mun, táu, lim…; hoặc các loại cây ăn quả như cam, mít, sầu riêng,...;
Ba là, đất rừng sản xuất: Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã được giao khoán cho tổ chức, cá nhân hoặc đất rừng sản xuất là rừng trồng - loại rừng được các cá nhân, tổ chức tự trồng theo quy hoạch lâm nghiệp;
Bốn là, đất rừng phòng hộ: Loại đất được sử dụng để trồng rừng phòng hộ. Loại đất rừng được Nhà nước giao cho các tổ chức hoặc giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại khu vực đó để bảo vệ, phát triển rừng;
Năm là, đất rừng đặc dụng: Loại đất được sử dụng để nhằm mục đích quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;
Sáu là, đất nuôi trồng thủy sản: Là loại đất được sử dụng với mục đích nuôi trồng các loại thủy sản như cá, tôm, cua, nhím, nghêu, sò, ốc, hến,...;
Bảy là, đất làm muối: Là loại đất được sử dụng với mục đích làm muối, đặc biệt ở các khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, …;
Tám là, đất nông nghiệp khác: Loại đất này bao gồm:
+ Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt (kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất);
+ Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép: Ví dụ chăn nuôi gà, lợn, vịt, bò,...;
+ Đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm: Ví dụ diện tích đất để làm các phòng thí nghiệm cho các loài cây mới, giống lúa biến đổi gene,...;
+ Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh: Ví dụ đất dùng để làm vườn ươm cây giống, trồng các loại cây cảnh/cây xanh để bán hoặc để thưởng hoa,..;
Như vậy, đất nông nghiệp là các loại đất được sử dụng với mục đích nông nghiệp và được phân cụ thể thành những loại như chúng tôi đã nêu trên.
Được xây nhà ở trên đất nông nghiệp không?
Như đã phân tích, trình bày ở trên, đất nông nghiệp là loại đất được sử dụng với mục đích nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, làm muối, vườn ươm..
Trong số các mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên, không có mục đích sử dụng đất là để làm nhà ở mà đất làm nhà ở phải là đất phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013.
=> Do đó, bạn không thể xây dựng nhà ở trên diện tích đất nông nghiệp.
Trong trường hợp bạn cố tình xây dựng nhà ở trên diện tích đất sử dụng với mục đích nông nghiệp thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Kết luận: Bạn không thể xây dựng nhà ở trên đất sử dụng với mục đích nông nghiệp, nếu cố tình xây dựng, chủ sở hữu nhà ở có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Trên đây là giải đáp về Thế nào là đất nông nghiệp? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.