hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 18/03/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Theo dõi người khác phạm tội gì? Có bị đi tù không?

Theo dõi người khác phạm tội gì? Nếu theo dõi người khác có bị đi tù hay không là những nội dung HieuLuat thông tin trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi nghi vợ mình ngoại tình và định thuê thám tử theo dõi cô ấy, cho tôi hỏi nếu theo dõi người khác thì có phạm tội không?

Theo dõi người khác phạm tội gì?

Vì nhiều mục đích khác nhau, mà nhiều người có hành vi theo dõi người khác. Vậy hành vi này có xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân mỗi người hay không?

Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì mỗi cá nhân ai cũng đều được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Nếu có thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân thì phải được người đó đồng ý. Song song đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình đồng thời phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định…

Trường hợp của bạn, bạn thuê thám tử theo dõi vợ mình có phạm pháp hay không thì chúng tôi xin thông tin như sau:

Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, dịch vụ điều tra và thám tử nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn.

Do đó, hoạt động thám tử, điều tra, theo được xem là một ngành nghề hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên khi hành nghề không được ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của người đó.

Nếu không hành nghề thám tử mà có hành vi theo dõi người khác cũng phải đảm bảo nguyên tắc trên. Nên nhớ là việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Như vậy, có thể theo dõi người khác nhưng không được để ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của người đó. Nếu có thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này thì được xem là phạm pháp.

theo dõi người khác phạm tội gì theo dõi người khác có thể là hàn vi phạm pháp
Theo dõi người khác có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo dõi, làm ảnh hưởng đến người khác phạt thế nào?

Như đã nói ở trên, nếu việc điều tra, theo dõi người khác nhưng để ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân của họ bằng hành vi như tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng với hành vi nêu trên (theo điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021 của Chính phủ)

Mặt khác, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp theo dõi người khác.

- Hành vi theo dõi, điều tra người khác thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín có thể bị truy cứu TNHS nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Người có hành vi này có thể sẽ đối diện với mức phạt cao nhất đến 3 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm.

- Hành vi theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Theo đó, người có hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, và mức phạt tối đa có thể lên đến 5 năm tù.

Người phạm tội đồng thời còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm.

HieuLuat vừa thông tin về vấn đề theo dõi người khác phạm tội gì? bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X