Tử hình là mức phạt cao nhất với người phạm tội. Vậy, những tội danh nào bị kết án tử hình? Việc thi hành án tử hình được quy định ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các vấn đề này.
Tội nào bị phạt tử hình? Ai có quyền ra quyết định thi hành án tử hình?
Tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ:
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thầm quyền ra quyế định thi hành án thuộc về Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
Hội đồng thi hành án tử hình sẽ thực thi án tử hình với phạm nhân, theo đó Hội đồng thi hành án tử hình gồm: Đại diện Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
Căn cứ theo Bộ luật Hình sự 2015, các tội áp dụng hình phạt tử hình gồm:
1. Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
2. Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
3. Điều 110. Tội gián điệp
4. Điều 112. Tội bạo loạn
5. Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
6. Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
7. Điều 123. Tội giết người
8. Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
9. Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
10. Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
11. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
12. Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
13. Điều 299. Tội khủng bố
14. Điều 353. Tội tham ô tài sản
15. Điều 354. Tội nhận hối lộ
16. Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
17. Điều 422. Tội chống loài người
18. Điều 423. Tội phạm chiến tranh
Khi nào được hoãn thi hành án tử hình? (Ảnh minh họa)
Không thi hành án tử hình trong trường hợp nào ?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự 2019, Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự, gồm:
+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
+ Người đủ 75 tuổi trở lên;
+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
- Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
- Ngay trước khi thi hành án người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm.
Thủ tục thi hành án tử hình hiện nay ra sao?
Theo quy định mới nhất thì việc thi hành án tử hình với phạm nhân hiện nay thực hiện theo cách thức nào? Trình tự, thủ tục ra sao?
Theo quy định của Luật thi hành án 2019 và Nghị định 43/2020/NĐ-CP, việc thi hành án tử hình như sau:
- Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.
- Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.
- Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:
Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác.
Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.
Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.
Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng;
Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba;
Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.
Việc thực hiện các bước có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.
Trên đây là các thông tin giải đáp về Thi hành án tử hình. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.
>> Người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi? Phạm tội bị xử lý hình sự ra sao?