Được trở thành Đảng viên và đứng vào hàng ngũ của Đảng là một vinh dự của người công dân. Vậy thời điểm công nhận Đảng viên chính thức là khi nào? Thẩm quyền xét công nhận Đảng viên chính thức được quy định ra sao? Cùng tìm hiểu bài viết bên dưới.
Thời điểm công nhận Đảng viên chính thức là khi nào?
Thời điểm công nhận Đảng viên chính thức được hướng dẫn tại Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 là kể từ ngày Đảng viên hết 12 tháng dự bị, cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày Đảng viên hết 12 tháng dự bị, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho Đảng viên; trường hợp không đủ điều kiện công nhận là Đảng viên chính thức thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xóa tên.
- Nếu Đảng viên dự bị đủ điều kiện được công nhận là Đảng viên chính thức, dù chi bộ họp chậm, cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y chậm, vẫn được công nhận Đảng viên chính thức đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị.
Lưu ý rằng: Nếu tổ chức Đảng cấp dưới đã qua 3 lần biểu quyết nhưng không đủ 2/3 số Đảng viên chính thức/cấp uỷ viên tán thành công nhận một Đảng viên dự bị là Đảng viên chính thức hoặc đề nghị xóa tên trong danh sách Đảng viên thì báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp và cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thời điểm công nhận Đảng viên chính thức
* Về hồ sơ xét công nhận Đảng viên chính thức gồm có:
- Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng Đảng viên mới;
- Bản tự kiểm điểm của Đảng viên dự bị;
Sau 12 tháng, kể từ ngày chi bộ kết nạp, Đảng viên dự bị viết bản tự kiểm điểm nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm về thực hiện nhiệm vụ Đảng viên và biện pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại; đề nghị chi bộ xét, công nhận Đảng viên chính thức.
- Bản nhận xét về Đảng viên dự bị của Đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ;
- Bản nhận xét của tổ chức chính trị - xã hội nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú;
- Nghị quyết của chi bộ, Đảng ủy cơ sở và quyết định công nhận Đảng viên chính thức của cấp ủy có thẩm quyền;
Thời hạn, thẩm quyền xét công nhận Đảng viên chính thức
Thời hạn xét công nhận Đảng viên chính thức cũng được đề cập tại Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị công nhận chính thức, thì cấp uỷ có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Lưu ý: Trường hợp đặc biệt có thể gia hạn tối đa 30 ngày làm việc.
Việc đồng ý hoặc không đồng ý, phải thông báo kết quả cho chi bộ nơi đề nghị kết nạp Đảng viên hoặc công nhận Đảng viên chính thức biết. Nếu để quá thời hạn trên mà không có lý do chính đáng thì phải kiểm điểm trách nhiệm trước cấp uỷ cấp trên.
- Thẩm quyền quyết định xét công nhận Đảng viên chính thức.
+ Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền xét công nhận Đảng viên chính thức: Do tập thể Đảng uỷ cơ sở xem xét, quyết định.
+ Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng uỷ được giao quyền cấp trên cơ sở: Do ban thường vụ xem xét, quyết định.
+ Tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương: Do tập thể thường trực cấp uỷ và các đồng chí uỷ viên thường vụ là trưởng các ban Đảng cùng cấp xem xét, quyết định.
+ Thẩm quyền quyết định xét công nhận Đảng viên chính thức trong Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an Trung ương: Bộ Chính trị có quy định riêng.
Thẩm quyền xét công nhận Đảng viên chính thức
Công nhận Đảng viên chính thức sai quy định bị xử lý như thế nào?
Trường hợp cấp uỷ cấp trên, qua kiểm tra, xác minh phát hiện việc công nhận Đảng viên chính thức sai quy định thì xử lý như sau:
- Trường hợp 1: Công nhận Đảng viên chính thức không đúng tiêu chuẩn
Nếu công nhận Đảng viên chính thức không đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 thì cấp uỷ ban hành quyết định phải huỷ bỏ quyết định của mình và thông báo cho Đảng bộ, chi bộ nơi Đảng viên sinh hoạt xoá tên trong danh sách Đảng viên.
Lưu ý: Nếu tổ chức Đảng ban hành quyết định kết nạp Đảng viên đã giải thể hoặc bị giải tán thì cấp uỷ có thẩm quyền nơi Đảng viên đang sinh hoạt huỷ bỏ quyết định kết nạp Đảng viên không đúng tiêu chuẩn, điều kiện.
- Trường hợp 2: Công nhận Đảng viên chính thức không đúng thẩm quyền, không đúng thủ tục
Nếu công nhận Đảng viên chính thức không đúng thẩm quyền, không đúng thủ tục theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 thì phải huỷ bỏ quyết định đó, chỉ đạo cấp uỷ có thẩm quyền làm lại các thủ tục theo quy định và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Lưu ý: Nếu tổ chức Đảng đã giải thể hoặc bị giải tán thì cấp uỷ có thẩm quyền nơi Đảng viên đang sinh hoạt tiến hành thẩm tra, xác minh và làm lại các thủ tục theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn về Thời điểm công nhận Đảng viên chính thức. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp