hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 16/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mất bao lâu để kê biên tài sản tại ngân hàng?

Vấn đề kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng được nhiều người quan tâm do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả ngân hàng và người có tài sản.

Mục lục bài viết
  • Mất bao lâu để kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng?
  • Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có bị kê biên không?
  • Có bán được nhà đang thế chấp tại ngân hàng không?

Câu hỏi: Em chào các anh chị Luật sư. Em có người nhà vay số tiền lớn làm ăn, giờ không còn khả năng trả 1 lần, xin khất trả dần nhưng bên kia họ không đồng ý và khởi kiện đến Toà án thành phố. Người nhà em giờ còn 1 căn nhà bố mẹ cho tặng cho con nhưng đang thế chấp trong ngân hàng với thời gian 10 năm. Đợt vừa rồi sau 2 lần Toà án gọi lên hoà giải nhưng bên kia không đồng ý với ý kiến người nhà em.

Họ muốn người nhà em sang tên nhà đang thế chấp trong ngân hàng cho họ nhưng người nhà em không muốn. Lý do là vì giờ cả gia đình 7 người chỉ còn mỗi căn nhà đó để sinh sống và buôn bán kiếm tiền trả nợ nhưng họ vẫn không đồng ý.

Sau đó, Toà gửi giấy mời lên xét xử vụ án dân sự, kết thúc phiên toà cũng không có gì khác lúc 2 lần hoà giải. Vấn đề em muốn nhờ các anh chị Luật sư tư vấn giúp em là:

1. Sau bao nhiêu ngày tính từ ngày Toà xét xử vụ án dân sự thì bên thi hành án về kê biên tài sản?

2. Căn nhà đang thế chấp trong ngân hàng có bị làm sao không?

3. Người nhà em có thể bán nhà đang thế chấp trong ngân hàng cho người khác được không?

Bài viết em hơi dài, em mong các anh chị Luật sư tư vấn giúp em ạ. Em cám ơn các anh chị.

Chào bạn, chúng tôi đã nhận được toàn bộ thông tin và yêu cầu của bạn. Theo quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được giải đáp cho bạn như sau:

Mất bao lâu để kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng?

Kê biên tài sản theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Pháp luật hiện nay không quy định thời hạn ra quyết định kê biên tài sản là bao lâu kể từ khi có bản án.

Một số giai đoạn xử lý tài sản thi hành án được quy định trong Luật Thi hành án dân sự 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành gồm:

- Người được thi hành án (tức bên cho vay) gửi yêu cầu thi hành án trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008): Phải nộp đơn yêu cầu thi hành án, bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu, giấy tờ khác liên quan;

- Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án: trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án (Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014);

- Cơ quan thi hành án dân sự gửi thông báo về việc thi hành án tới các bên: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án (Điều 39 Luật thi hành án dân sự 2008).

Nếu phải niêm yết công khai văn bản thông báo thi hành án thì mất 10 ngày làm việc. Trường hợp phải thông báo qua đài phát thanh, truyền hình thì mất 02 ngày, hoặc mất thời gian là 02 số liên tiếp nếu lựa chọn thông báo qua báo ngày (Điều 42, Điều 43 Luật thi hành án dân sự 2008).

- Người phải thi hành án tự nguyện thi hành án: người nhà bạn có 10 ngày để tự nguyện thi hành án theo quyết định thi hành án (khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014).

- Sau 10 ngày, người nhà bạn không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Căn cứ vào quyết định cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên sẽ thực hiện việc kê biên tài sản;

Vì vậy, chưa thể tính toán được cụ thể thời gian thực hiện kê biên tài sản đang thế chấp trong ngân hàng là bao nhiêu ngày kể từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật. Lý do là phải phụ thuộc vào thời điểm bên cho vay gửi yêu cầu thi hành án và thời gian thực hiện cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên tài sản của cơ quan thi hành án dân sự.

thoi han ke bien tai san

Một số tài sản không được phép kê biên (Ảnh minh họa)

Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có bị kê biên không?

Căn cứ khoản 1 Điều 90 và khoản 2 Điều 87 Luật Thi hành án dân sự 2008, trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Và căn cứ khoản 2 Điều 87 Luật Thi hành án dân sự

Điều 87. Tài sản không được kê biên

2. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:

a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;

b) Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;

c) Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;

d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;

đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;

e) Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.

Như vậy, căn nhà đang thế chấp tại ngân hàng của người nhà bạn vẫn có thể bị kê biên, bán để thu tiền chi trả cho các khoản: chi phí thi hành án, trả cho bên cho vay.

Lưu ý: Tài sản này chỉ bị kê biên nếu người nhà bạn không còn bất kỳ tài sản nào khác, hoặc còn tài sản nhưng không đủ để trả nợ cho bên cho vay. Lúc này, cơ quan thi hành án dân sự mới thực hiện kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp. Chấp hành viên sẽ thông báo tới ngân hàng nơi đang nhận thế chấp tài sản được biết về việc kê biên này. Khi xử lý tài sản này, ngân hàng cũng là bên được ưu tiên thanh toán trước.

Vậy nên, trường hợp xấu nhất đối với căn nhà của người nhà bạn sẽ là bị kê biên, bán để trả nợ (thông thường việc kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng thường gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của ngân hàng).

Có bán được nhà đang thế chấp tại ngân hàng không?

Bạn có thể bán nhà cho người khác khi đảm bảo các điều kiện pháp luật quy định tại Điều 118 Luật Nhà ở 2014, Điều 188 Luật Đất đai 2013, khoản 8 Điều 320 và khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015:

- Đã được cấp Giấy chứng nhận;

- Không có tranh chấp;

- Không thuộc trường hợp bị kê biên;

- Không thuộc trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

- Trong thời hạn sử dụng đất (áp dụng với nhà ở riêng lẻ);

- Phải được ngân hàng đồng ý.

Chỉ khi đáp ứng được đầy đủ các quy định nêu trên thì căn nhà đang thế chấp tại ngân hàng mới có thể bán được cho người khác.

Cần lưu ý, việc mua bán căn nhà này phải được lập thành hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.

Như vậy, căn nhà của người thân bạn vẫn có thể bán được cho người thứ 3 nếu đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về thời hạn kê biên tài sản, nếu còn thắc mắc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Giải quyết tranh chấp khi hợp đồng mua bán đất không được công chứng

>> Có bị xử phạt khi giá mua bán đất trong hợp đồng nhỏ hơn giá mua bán thực tế không?

Có thể bạn quan tâm

X