Sổ đỏ là cách gọi thông thường của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Điều 166 Luật Đất đai ghi nhận người sử dụng đất được cấp sổ đỏ là một trong những quyền năng cơ bản và mang ý nghĩa lớn trong hoạt động quản lý quan hệ pháp luật đất đai.
Tôi xin cảm ơn. Mong nhận được câu trả lời từ Luật sư!!!
Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ là ngôn ngữ thông thường gọi các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Cách gọi có thể khác nhau nhưng bản chất của các loại Giấy chứng nhận trên đều là chứng thư pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai 2003 quy định "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Giấy chứng nhận do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất."
Nghị định 88/2009/NĐ-CP quy định từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước Việt Nam với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy bắt đầu từ ngày 10/12/2009, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên gọi mới là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tên gọi mới này dựa trên sự kết hợp của các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Sổ đỏ có có những thông tin gì. Ảnh minh họa.
Hiện nay theo quy định Luật Đất đai 2013 thì có thể hiểu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng cho các chủ thể theo quy định.
"Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".
Trên Sổ đỏ có những thông tin gì?
Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định một số nội dung quan trọng được ghi trong sổ đỏ. Theo đó, sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành mẫu thống nhất chung trên phạm vi cả nước. Trong đó có 4 trang giấy khổ A4 có kích thước 190mm x 265mm, màu hồng có hình trống đồng Đông Sơn in chìm ở trung tâm của trang giấy. Nội dung của từng trang được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư như sau :
“1. Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
a) Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ; mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trang 2 in chữ màu đen gồm mục "II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
c) Trang 3 in chữ màu đen gồm mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";
d) Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;”
Kỹ năng đọc thông tin trên sổ đỏ là một kỹ năng quan trọng khi thiết lập các giao dịch quyền sử dụng đất. Do đó nắm bắt được thông tin trên sổ đỏ là một trong những nội dung người sử dụng đất cần quan tâm.
Ai được cấp sổ đỏ?
Luật Đất đai 2013 quy định có 5 chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai bao gồm:
- Cá nhân sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất,
- Cộng đồng dân cư sử dụng đất,
- Cơ sở tôn giáo sử dụng đất,
- Tổ chức trong nước nước sử dụng đất,
Cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng đất,
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài,
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất.
Những chủ thể trên cần thỏa mãn điều kiện về năng lực chủ thể theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định chuyên ngành có liên quan. Các chủ thể trên được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được công nhận quyền sử dụng đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Chủ thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất cần thỏa mãn về căn cứ được quy định bao gồm kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có nhu cầu sử dụng đất.
Chủ thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần thỏa mãn điều kiện chung tại Điều 188 Luật Đất đai và các điều kiện riêng tại các Điều 191,192,193,194 Luật Đất đai 2013.
“Điều 188..
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất”
Các chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được công nhận quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa.
Làm thế nào để được cấp sổ đỏ lần đầu?
Tùy từng trường hợp khác nhau mà Luật Đất đai có những quy định về trình tự thủ tục để được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên trình tự thủ tục cấp sổ đỏ bao gồm những bước cơ bản sau đây:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
Người sử dụng đất cần chuẩn bị các giấy tờ được quy định như:
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận;
- Chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính;
- Với trường hợp có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì nộp các giấy tờ đó;
- Với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì nộp xác nhận đất sử dụng ổn định của Ủy ban nhân dân xã nơi có đất.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất hoặc tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất.
Bước 2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp Giấy chứng nhận trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong vòng 3 ngày phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
Bước 3. Cơ quan trả kết quả
Kết luận
Sổ đỏ là cách gọi thông thường của người dân khi nói về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng hiểu được ý nghĩa sổ đỏ và hiểu được thông tin ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ là lợi thế khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật đất đai.
Bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết về sổ đỏ và thông tin pháp lý cần thiết. Để có thể tìm hiểu thêm về thủ tục hay giấy tờ liên quan đến sổ đỏ hoặc tìm hiểu những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được tư vấn kịp thời.