hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 06/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai?

Vi phạm pháp luật về đất đai có thể được hiểu là những hành vi vi phạm các quy định về sử dụng, quản lý,...đất đai của người sử dụng đất, cá nhân/cơ quan có thẩm quyền quản lý về đất đai. Người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất theo quy định.

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có một số vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất mong được giải đáp như sau:

1. Tôi có đọc báo và thấy có quy định về việc người sử dụng đất có thể bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Tôi băn khoăn không biết trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai nào sẽ bị thu hồi đất?

2. Nếu phải bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân?

Trường hợp nào bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai?

Trước hết, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai  bao gồm:

Một là, người sử dụng đất đã sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê hoặc công nhận quyền sử dụng đất (ví dụ đất được giao là đất nông nghiệp nhưng lại sử dụng với mục đích xây dựng khách sạn, nhà nghỉ…) và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích (bị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định) mà tiếp tục vi phạm;

Hai là, người sử dụng đất có hành vi cố ý hủy hoại đất: Đây là hành vi của người sử dụng đất làm thay đổi, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất và dẫn đến hậu quả là gây ô nhiễm đất hoặc làm mất/làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định;

Ba là, đất được giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đây là hành vi dễ dàng nhìn thấy đối với những loại đất có nguồn gốc như là đất của nông, lâm trường (nông lâm trường quốc doanh giao đất cho hộ gia đình không đúng thẩm quyền theo quy định); các hợp tác xã tự ý giao đất do mình quản lý cho các xã viên; Ủy ban nhân dân xã giao đất (có thể thu tiền sử dụng đất) cho người dân trong xã trái quy định pháp luật;...

Bốn là, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất mà đất này không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật đất đai (ví dụ không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng lại nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…);

Năm là, người sử dụng đất sử dụng đất được Nhà nước giao để quản lý mà bị cá nhân, cơ quan, tổ chức khác lấn, chiếm;

Sáu là, người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm đã để đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013 bị lấn, chiếm;

Bảy là, người sử dụng đất đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành về hành vi không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước (nghĩa vụ đóng thuế, phí sử dụng đất,...);

Tám là, người sử dụng đất không sử dụng liên tục trong thời gian 12 tháng đối với đất trồng cây hàng năm, 18 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, và 24 tháng đối với đất trồng rừng;

Chín là, không sử dụng liên tục đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

=> Như vậy, có 09 trường hợp người sử dụng đất (hành vi của người sử dụng đất) bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như chúng tôi đã nêu trên.

Một số lưu ý khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai:

- Căn cứ để thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai là các văn bản/quyết định/biên bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để nhằm xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai (khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai 2013);

- Trường hợp khi đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải lập biên bản về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất. Biên bản này được dùng làm căn cứ ra quyết định thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai (khoản 1 Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);

- Nếu hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng đất không thuộc trường hợp xử lý theo quy định của pháp luật về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan tài nguyên môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra trước khi lập biên bản xác định hành vi vi phạm của người sử dụng đất. Biên bản này phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã làm chứng (khoản 1 Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);

- Người sử dụng đất không được đền bù, bồi thường về đất khi bị Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2013).

Như vậy, người sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cần phải chú ý thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai để tránh trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

thu hoi dat do vi pham phap luat


Quy định về thẩm quyền thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như thế nào?

Dù là thu hồi đất vì lý do vi phạm pháp luật đất đai, do mục đích quốc phòng an ninh hay vì lý do phát triển kinh tế xã hội- vì lợi ích quốc gia công cộng thì vẫn phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 66 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền thu hồi đất được quy định cụ thể như sau:

Một là, thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013)

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất có quyền thu hồi đất đối với các đối tượng sau đây:

- Người sử dụng đất là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

- Hoặc đất bị thu hồi là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn (hay thường được gọi là đất công ích);

Hai là, thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai 2013)

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất có quyền thu hồi đất đối với các đối tượng sau đây:

- Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

- Hoặc thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Lưu ý: Nếu trường hợp thu hồi đất có cả các đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thẩm quyền thu hồi là của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện việc thu hồi đất.

Như vậy, tùy thuộc mỗi trường hợp người sử dụng đất hoặc loại đất bị thu hồi mà thẩm quyền thu hồi đất cũng có sự khác biệt. Thẩm quyền thu hồi đất này được áp dụng đối với mọi lý do thu hồi đất.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về thu hồi đất do vi phạm pháp luật​​​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Phường có quyền thu hồi đất của dân để bán đấu giá không?

>> Quy trình thu hồi đất theo Luật đất đai 2013 ra sao?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X