Thu hồi đất giải phóng mặt bằng được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Các khoản đền bù, bồi thường khi thực hiện giải phóng mặt bằng gồm những gì? Cùng HieuLuat tìm hiểu, giải đáp trong bài viết sau.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được thực hiện như thế nào?
Mức đền bù, bồi thường khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng gồm những khoản nào?
Chào bạn, quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng và đền bù bồi thường khi thu hồi mà bạn đang quan tâm được chúng tôi giải đáp như sau:
Quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng thế nào?
Nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại Luật Đất đai và các văn bản có liên quan.
Quy trình Nhà nước thu hồi đất và quy trình doanh nghiệp thực hiện thu hồi đất có sự khác biệt.
Khác biệt lớn nhất là về bản chất pháp lý của 2 thủ tục này, cụ thể như sau:
Nhà nước thu hồi đất khi có một trong những căn cứ được quy định tại Luật Đất đai và được tiến hành theo trình tự quy định tại Điều 69 của Luật này;
Nếu thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi nếu không tự nguyện thực hiện;
Doanh nghiệp thu hồi đất thực chất là tên gọi chung của việc doanh nghiệp đã có được quyền đầu tư dự án nhưng chưa có đất/hoặc chưa giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án nên phải thỏa thuận với người sử dụng đất để có mặt bằng;
Doanh nghiệp không có thẩm quyền buộc người sử dụng đất phải bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án mà chỉ được quyền thỏa thuận để có mặt bằng làm dự án;
Bởi đây là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người có đất nên người có đất có quyền quyết định chuyển quyền hoặc không;
Doanh nghiệp không thỏa thuận để giải phóng mặt bằng với những người sử dụng đất thì không được quyền cưỡng chế thu hồi;
Quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng
Chi tiết quy trình thu hồi đất do Nhà nước thực hiện và do doanh nghiệp tiến hành như sau:
Nhà nước thực hiện thu hồi đất | Doanh nghiệp thực hiện thu hồi đất |
Bước 1: Thông báo thu hồi đất Bước 2: Thực hiện điều tra, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất Bước 3: Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư Bước 4: Lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư Bước 5: Hoàn thành phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư Bước 6: Trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư Bước 7: Thực hiện thu hồi đất theo quyết định và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt | Bước 1: Thương lượng, đàm phán với người sử dụng đất để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Bước 2: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng Bước 3: Đăng ký biến động đất đai/Xin phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư |
Như vậy, quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng do Nhà nước hoặc do doanh nghiệp thực hiện được tiến hành theo các bước chúng tôi đã nêu trên.
Việc bồi thường, đền bù nếu có trong cả hai trường hợp được chúng tôi giải đáp chi tiết ở phần dưới.
Mức bồi thường 2023 khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định pháp luật đất đai, việc đền bù, bồi thường khi thu hồi đất được thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất.
Trường hợp doanh nghiệp tiến hành thu hồi đất của người sử dụng thì số tiền thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất chính là sự thỏa thuận về việc đền bù, bồi thường.
Chi tiết các khoản đền bù, bồi thường mà người có đất bị Nhà nước thu hồi như sau:
Bồi thường về đất: Người sử dụng đất được bồi thường về đất khi bị thu hồi nếu thỏa mãn điều kiện đã được cấp sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ nhưng chưa được cấp;
Bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại: Được bồi thường đối với việc thu hồi đất nông nghiệp hoặc đối với trường hợp không được đền bù, bồi thường bằng đất theo quy định tại Điều 76 Luật Đất đai;
Bồi thường về tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất: Người có đất bị thu hồi được bồi thường bằng tiền tương ứng với thiệt hại của tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất khi thu hồi đất;
Mức tiền bồi thường cụ thể được tính toán dựa trên giá của tài sản, cây trồng, vật nuôi tại địa phương nơi có đất và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất bị thu hồi quy định cụ thể;
Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất gồm:
Hỗ trợ bồi thường, tái định cư nếu người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở;
Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Áp dụng đối với trường hợp người sử dụng có đất nông nghiệp bị thu hồi (người đang sử dụng đất nông nghiệp dưới hình thức được giao, giao khoán, cho thuê, nhận chuyển quyền);
Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm: Đây là khoản hỗ trợ được chi trả đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp;
Các khoản hỗ trợ khác tùy thuộc từng trường hợp thu hồi đất và quyết định của từng tỉnh nơi có đất bị thu hồi;
Như vậy, khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng, người sử dụng đất được nhận các khoản đền bù, bồi thường, hỗ trợ như bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất… được hỗ trợ tái định cư, được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất,...
Trên đây là giải đáp về thu hồi đất giải phóng mặt bằng, nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.