hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 25/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đất giao khoán là đất gì? Bị thu hồi khi nào?

Thu hồi đất giao khoán được thực hiện bởi cơ quan nào? Người bị thu hồi đất giao khoán được đền bù bồi thường ra sao? Hiểu như thế nào là đất giao khoán? Cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi nhận giao khoán đất trồng chè từ nông trường ở thời điểm những năm 90 của thế kỷ 20.

Đến khi nông trường bị giải thể (khoảng năm 1999, 2000) cho tới nay, gia đình tôi vẫn đang sử dụng diện tích đất này mà không có bất kỳ cơ quan nào thực hiện thu hồi đất hoặc cấp sổ đỏ.

Tôi muốn hỏi Luật sư, trong trường hợp bị thu hồi thì gia đình tôi được nhận đền bù, bồi thường ra sao?

Chào bạn, đất được giao khoán, thuê khoán là những loại đất hiện nay không còn phổ biến. Việc thu hồi đất giao khoán, đền bù bồi thường loại đất này được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Cụ thể, với vướng mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Đất giao khoán là đất gì? Quy định ở đâu?

Đất giao khoán thường được nhắc đến thực tế là đất mà các nông trường, lâm trường quốc doanh thực hiện giao cho các hộ gia đình, cá nhân là thành viên của nông, lâm trường mình để họ thực hiện sản xuất nông/lâm nghiệp.

Ví dụ như trồng rừng, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây cao su, cây hương liệu,...

Ngoài ra, đất khoán cũng có thể được hiểu là đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận từ ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hình thức sử dụng đất của các hộ gia đình thành viên của nông, lâm trường này có thể là giao khoán (nhận giao đất, trả sản phẩm khoán) hoặc thuê khoán (nhận thuê đất và trả sản phẩm thuê khoán):

  • Đối với đất giao khoán: Hộ gia đình, cá nhân được nhận đất thông qua Quyết định giao. Người sử dụng đất thường có thể được nông lâm trường cho phép xây dựng nhà ở trên đất giao kết hợp cùng với việc sản xuất nông lâm nghiệp trong thời hạn nhất định;

  • Đối với đất thuê khoán: Hộ gia đình, cá nhân được nhận đất thông qua các quyết định/hợp đồng cho thuê. Theo đó, họ chỉ được quyền khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với các sản phẩm trên đất và thường không được nông lâm trường cho phép xây dựng nhà ở trên đất;

Quy định về việc sử dụng đất khoán trong nông, lâm trường được thực hiện từ Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.

Hiện nay, do tình hình thực tế các nông lâm trường quốc doanh gần như đã bị giải thể hoàn toàn nên việc quy định chế độ sử dụng đất khoán đã không cụ thể như trước.

Thu hồi đất giao khoán không được đền bù về đấtThu hồi đất giao khoán không được đền bù về đất

Thay vào đó, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về cách xử lý, giải quyết hệ quả/những vấn đề còn tồn tại của loại đất này sao cho phù hợp với định hướng phát triển của ngành.

Cụ thể hơn, đất khoán hiện nay có một số đặc điểm pháp lý đáng chú ý như sau:

  • Là loại đất mà hộ gia đình được nhận khoán từ các nông lâm trường hoặc từ ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

  • Đây là loại đất không được cấp sổ đỏ (Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);

  • Hình thức sử dụng: Nhận khoán đất (khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức trên đất và phải trả tiền khoán/sản phẩm khoán cho bên khoán);

  • Thuộc trường hợp không được chuyển nhượng đất, không được đền bù về đất khi bị thu hồi;

  • Việc sử dụng đất giao khoán phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Như vậy, đất giao khoán có thể hiểu đơn giản là đất mà hộ gia đình cá nhân được quyền sử dụng thông qua các nông, lâm trường hoặc ban quản lý rừng đặc dụng/rừng phòng hộ.

Đây cũng là loại đất không được đền bù bồi thường về đất khi bị thu hồi. Việc đền bù bồi thường khi thu hồi đất giao khoán được chúng tôi giải đáp cụ thể ở phần dưới đây.

Thu hồi đất giao khoán được đền bù như thế nào?

Việc đền bù, bồi thường khi thu hồi đất giao khoán cũng giống như các loại đất khác.

Căn cứ Luật Đất đai 2013, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất giao khoán nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Có vi phạm pháp luật về đất đai;

  • Do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

  • Thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng hoặc để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia công cộng;

  • Thu hồi đất vì hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn;

Theo đó, việc đền bù bồi thường bao gồm:

  • Đền bù bồi thường về đất nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật (đất giao khoán không được nhận khoản đền bù này do đây là loại đất mà người sử dụng không được cấp sổ đỏ);

  • Đền bù bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu không đủ điều kiện đền bù bồi thường về đất;

  • Đền bù bồi thường về tài sản đầu tư trên đất (ví dụ như cây trồng, vật nuôi, tài sản khác được tạo dựng hợp pháp);

  • Được nhận các khoản hỗ trợ khác theo từng dự án;

Đất giao khoán thường được sử dụng với mục đích nông lâm nghiệpĐất giao khoán thường được sử dụng với mục đích nông lâm nghiệp

Cụ thể, điều kiện để được nhận đền bù bồi thường đối với các khoản trên như sau:

  • Đền bù bồi thường về đất: Thỏa mãn điều kiện tại Điều 75 Luật Đất đai 2013. Điều kiện cơ bản là đất bị thu hồi phải có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện được cấp sổ nhưng chưa được cấp.

    • Như chúng tôi đã trình bày, đất khoán là loại đất không được cấp sổ đỏ. Vậy nên, khi bị thu hồi, người sử dụng không được đền bù bồi thường về đất;

  • Đền bù chi phí đầu tư vào đất còn lại: Người sử dụng đất khoán bị thu hồi được đền bù khoản đầu tư vào đất còn lại như chi phí san lấp mặt bằng, chi phí cải tạo làm tăng độ phì nhiêu/màu mỡ của đất,...

    • Các khoản chi phí này, người sử dụng đất phải có hóa đơn, giấy tờ, tài liệu chứng minh. Nếu không có tài liệu, giấy tờ chứng minh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định tùy thuộc tình hình từng địa phương;

  • Đền bù bồi thường về tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất: Người sử dụng đất được đền bù, bồi thường về tài sản, cây trồng, vật nuôi được tạo dựng hợp pháp trên đất khoán.

    • Số tiền đền bù bồi thường phụ thuộc vào giá trị của tài sản trên đất hoặc phụ thuộc vào chi phí phải di chuyển/di dời tài sản khỏi nơi ban đầu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (Điều 89, Điều 90, Điều 91 Luật Đất đai 2013);

  • Nhận các khoản hỗ trợ khác: Tùy thuộc từng dự án, từng khu vực nơi có đất bị thu hồi;

Lưu ý: Việc thu hồi đất giao khoán được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013.

Như vậy, người bị thu hồi đất giao khoán không được đền bù bồi thường về đất.

Các khoản đền bù, bồi thường gồm đền bù bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản/cây trồng/vật nuôi được tạo dựng hợp pháp trên đất, các khoản hỗ trợ khác tùy thuộc từng dự án.

Trên đây giải đáp về thu hồi đất giao khoán, nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X