hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 26/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không đồng ý thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá, phải làm gì?

Thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá được hiểu như thế nào? Nếu không đồng ý với việc thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá thì phải làm gì? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết sau đây.

Câu hỏi: Chào Luật sư, tại khu vực nơi tôi đang sinh sống, người dân đang truyền tai nhau rầm rộ thông tin về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá cho doanh nghiệp khác làm chợ, làm trường học mầm non trong xã.

Xin hỏi Luật sư, việc thu hồi đất nông nghiệp với giá rẻ rồi đấu giá, bán lại cho doanh nghiệp với giá cao hơn được hiểu như thế nào theo quy định pháp luật?

Nếu như không đồng ý với việc thu hồi đất, bồi thường với giá rẻ thì tôi có thể phản đối, yêu cầu thực hiện theo đúng nguyện vọng của mình bằng cách nào thưa Luật sư?

Chào bạn, việc thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá hiện đang có nhiều vướng mắc, tranh chấp.

Việc giải quyết những kiến nghị, vướng mắc về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá được giải quyết như sau:

Hiểu thế nào là thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá?

Thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá theo thông tin bạn cung cấp bao gồm 2 giai đoạn:

  • Thu hồi đất nông nghiệp;

  • Đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi;

Cụ thể, việc thu hồi đất nông nghiệp để bán đấu giá sau khi thu hồi được thực hiện như sau:

Một là, thu hồi đất nông nghiệp

  • Việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án như trong tình huống của bạn phải được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có đất;

  • Trình tự, thủ tục thu hồi đất nông nghiệp phải được tiến hành theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013;

  • Đất nông nghiệp bị thu hồi phải thuộc kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt;

Hai là, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi

  • Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo một trong hai hình thức: Đấu thầu thực hiện dự án trước khi tiến hành thu hồi đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tiến hành thu hồi;

  • Đấu giá sử dụng đất được tiến hành theo quy định của pháp luật đấu giá và phải thuộc một trong số những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai;

  • Ví dụ, đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm… theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai;

  • Dự án sử dụng đất thực hiện đấu giá phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Như vậy, thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá có một số đặc điểm pháp lý như chúng tôi đã nêu trên.

Nhìn chung, thu hồi đất nông nghiệp và tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất đều được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự luật định.

Người có đất nông nghiệp bị thu hồi nếu không đồng ý với việc thu hồi, trình tự thu hồi, bồi thường thì có thể tham khảo cách xử lý như chúng tôi hướng dẫn dưới đây.

Quyết định thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá có thể bị khởi kiệnQuyết định thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá có thể bị khởi kiện


Phải làm gì nếu không đồng ý với việc thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá?

Trong trường hợp không đồng ý với việc thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá, bạn có thể lựa chọn thực hiện theo các cách xử lý như đề nghị, khiếu nại, khiếu kiện.

Cụ thể, phương án xử lý như sau:

Cách 1: Đề nghị xem xét lại việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ

Người có đất nông nghiệp bị thu hồi nếu không đồng ý với bất kỳ nội dung thu hồi nào, ví dụ như:

  • Vị trí, diện tích đất bị thu hồi;

  • Quy trình thu hồi;

  • Phương án đền bù, bồi thường;

  • …;

Đều có quyền thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thu hồi, đền bù, bồi thường phải xem xét lại vấn đề thu hồi đất.

Phương thức kiến nghị có thể được tiến hành: Trực tiếp hoặc thông qua đơn thư đề nghị/đơn thư kiến nghị.

Cơ quan thực hiện giải quyết: Ủy ban nhân dân các cấp/hoặc tổ chức làm nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Cách 2: Khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ

Ngoài cách kiến nghị, đề nghị xem xét lại việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, người sử dụng đất còn có thể lựa chọn cách khiếu nại hành vi hành chính, quyết định hành chính về việc thu hồi đất của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Nếu lựa chọn cách giải quyết này, người có đất nông nghiệp bị thu hồi cần lưu ý:

  • Đối tượng bị khiếu nại là: Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ;

  • Trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 và các văn bản khác có liên quan;

  • Việc khiếu nại phải được thực hiện thông qua đơn khiếu nại/hoặc khiếu nại trực tiếp và trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật khiếu nại (không quá 90 ngày, kể từ thời điểm nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính có vi phạm khi khiếu nại lần đầu);

Cách 3: Khiếu kiện việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ

Người có đất nông nghiệp bị thu hồi cũng có thể lựa chọn cách khiếu kiện (khởi kiện) hành chính đối với các hành vi, quyết định của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc thu hồi đất.

Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính trong thu hồi đất nông nghiệp được tiến hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bạn nên thu thập chứng cứ, tài liệu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tìm hiểu kỹ quy định pháp luật trước khi tiến hành khởi kiện.

Như vậy, nếu không đồng ý với nội dung thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá, bạn có thể lựa chọn một trong số những cách thức mà chúng tôi đã nêu trên để xử lý.

Trên đây là giải đáp về thu hồi đất nông nghiệp để đấu giá, nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X