Thu hồi đất rừng phòng hộ, người sử dụng đất được bồi thường những khoản gì? Thẩm quyền, thủ tục thu hồi đất được tiến hành ra sao? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi nếu hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất rừng phòng hộ thì được bồi thường như thế nào?
Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ trong trường hợp này?
Chào bạn, việc đền bù, bồi thường khi thu hồi đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân và thủ tục, thẩm quyền thu hồi được chúng tôi giải đáp chi tiết ở bên dưới.
Thu hồi đất rừng phòng hộ, người sử dụng đất được bồi thường những gì?
Trước hết, hộ gia đình, cá nhân được quyền sử dụng đất rừng phòng hộ theo một trong số những hình thức được quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2013 như sau:
Được giao khoán sử dụng để thực hiện bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ từ tổ chức quản lý rừng phòng hộ;
Được Nhà nước giao để thực hiện bảo vệ, phát triển rừng nếu tại khu vực đó chưa có tổ chức quản lý rừng và hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại khu vực đó;
Khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất rừng phòng hộ, người sử dụng đất có thể được nhận các khoản bồi thường sau đây:
Chi phí đầu tư vào đất còn lại: Người sử dụng đất rừng phòng hộ không được nhận đền bù bồi thường về đất nhưng được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại Điều 76 Luật Đất đai 2013;
Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính dựa trên căn cứ là tài liệu, giấy tờ chứng minh về việc đã đầu tư vào đất (ví dụ đầu tư làm tăng độ màu mỡ cho đất, thực hiện thau chua, rửa mặn…);
Nếu không còn các tài liệu, giấy tờ chứng minh về các chi phí đầu tư vào đất còn lại thì người sử dụng đất được bồi thường theo quy định của từng tỉnh nơi có đất;
Bồi thường về tài sản, vật nuôi, cây trồng trên đất: Người sử dụng đất được nhận các khoản bồi thường khi có thiệt hại về tài sản, vật nuôi, cây trồng trên đất;
Như vậy, thu hồi đất rừng phòng hộ, hộ gia đình, cá nhân được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, về tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất nhưng không được bồi thường về đất.
Thủ tục, thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân được chúng tôi giải đáp trong phần dưới đây.
Thủ tục thu hồi đất rừng phòng hộ như thế nào?
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất rừng phòng hộ của hộ gia đình cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013 qua các giai đoạn: Thông báo thu hồi đất, thực hiện kiểm đếm, lập phương án bồi thường, phê duyệt phương án bồi thường và quyết định thu hồi, thực hiện thu hồi.
Theo đó, chi tiết các bước thu hồi đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng như sau:
Bước 1: Ban hành thông báo thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất và gửi tới người có đất bị thu hồi theo quy định;
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất là cơ quan ban hành thông báo thu hồi đất, cụ thể:
Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất rừng phòng hộ;
Tuy nhiên, trong trường hợp có cả các đối tượng sử dụng đất bị thu hồi thuộc thẩm quyền của cả cấp tỉnh và cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất (Điều 66 Luật Đất đai 2013);
Bước 2: Thực hiện đo đạc, kiểm tra, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đo đạc đất đai, kiểm tra, kiểm đếm tài sản, nhà ở, công trình, cây trồng, vật nuôi trên đất bị thu hồi.
Bước 3: Lập phương án bồi thường hỗ trợ và lấy ý kiến về việc bồi thường, hỗ trợ
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư sau khi đã tiến hành đo đạc, kiểm tra, kiểm đếm;
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng kết hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của những hộ gia đình, cá nhân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tập hợp ý kiến, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Bước 4: Quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi cơ quan này trình Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định thu hồi đất;
Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong cùng 1 ngày;
Bước 5: Thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Cơ quan có thẩm quyền, người có đất bị thu hồi thực hiện thu hồi đất, nhận bồi thường, hỗ trợ theo quyết định và phương án đã được phê duyệt, quyết định.
Như vậy, thủ tục thu hồi đất rừng phòng hộ và thẩm quyền thu hồi được chúng tôi giải đáp chi tiết như trên.
Trong trường hợp thông thường, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất rừng phòng hộ.
Cá biệt, trường hợp thu hồi đất có đối tượng bị thu hồi thuộc thẩm quyền của cả cấp tỉnh và cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Trên đây là giải đáp về thu hồi đất rừng phòng hộ, nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.