hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 07/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài trong trường hợp nào?

Giấy phép lao động (GPLĐ) được cấp cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Vậy thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài trong những trường hợp nào? Cụ thể:

Câu hỏi: Công ty mình có 02 người lao động quốc tịch Ấn Độ vừa bị thu hồi giấy phép lao động. Không rõ theo quy định Việt Nam hiện nay thì những trường hợp nào sẽ bị thu hồi giấy phép lao động?

Thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài trong những trường hợp nào? 

Thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài trong trường hợp nào?

Thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích thu lại giấy phép đã cấp trước đó trong một số trường hợp nhất định mà pháp luật đã quy định.

Hiện nay, các trường hợp người lao động (NLĐ) nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động được quy định tại Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:

- Trường hợp 1: Giấy phép lao động của NLĐ nước ngoài bị hết thời hạn.

- Trường hợp 2: Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp 3: Nội dung của hợp đồng lao động mà NLĐ nước ngoài đã ký kết không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

- Trường hợp 4: Người lao động nước ngoài làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Trường hợp 5: Hợp đồng mà NLĐ ký kết nằm trong các lĩnh vực là phát sinh giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài bị hết thời hạn hoặc bị chấm dứt.

- Trường hợp 6: Có văn bản thông báo của phía nước ngoài về việc thôi cử lao động là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

- Trường hợp 7: Các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng NLĐ nước ngoài chấm dứt việc hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Trường hợp 8: Người sử dụng lao động hoặc NLĐ nước ngoài không thực hiện đúng các quy định của Nghị định 152/2020/NĐ-CP

- Trường hợp 9: NLĐ nước ngoài trong quá trình làm việc tại Việt Nam đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật Việt Nam gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự và an toàn xã hội của Việt Nam.

Như vậy, hiện nay có 09 trường hợp người lao động nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép lao động, không còn đủ điều kiện để làm việc tại Việt Nam.

Thẩm quyền thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài 

Thẩm quyền thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài

Căn cứ quy định tại Điều 21 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chính là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài nếu thuộc 01 trong 09 trường hợp đã nêu ở mục đầu bài viết.

Nhận thấy, cơ quan có thẩm quyền thu hồi GPLĐ cũng chính là cơ quan đã cấp GPLĐ cho người nước ngoài trước đây.

Quy định này là hoàn toàn phù hợp bởi cơ quan đã cấp GPLĐ trước đó sẽ nắm đầy đủ thông tin, quản lý người lao động; khi thuộc các trường hợp vi phạm thì chính cơ quan này sẽ thu hồi lại giấy phép mình đã cấp trước đó.

Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài 

Các bước thực hiện thủ tục thu hồi GPLĐ tương ứng với các trường hợp khác nhau sẽ được thực hiện như sau:

* Thu hồi GPLĐ trong trường hợp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trường hợp 7.

- Bước 1: Thu hồi GPLĐ

Đơn vị thực hiện: Người sử dụng lao động người nước ngoài thu hồi GPLĐ đã hết hiệu lực.

- Bước 2: Người sử dụng lao động nộp lại giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép trước đó

Hồ sơ gồm có: Giấy phép lao động và văn bản nêu rõ lý do thu hồi giấy phép, trường hợp thuộc diện thu hồi GPLĐ nhưng không thu hồi được.

Cơ quan nhận hồ sơ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tùy thuộc vào cơ quan nào đã cấp giấy phép trước đó).

Lưu ý thời gian thực hiện: 15 ngày kể từ ngày GPLĐ của người nước ngoài bị hết hiệu lực theo các trường hợp từ 1 - 7 đã nêu.

- Bước 3: Nhận kết quả xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền về việc đã thu hồi GPLĐ.

Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.

* Thu hồi GPLĐ trong trường hợp 8 và trường hợp 9.

- Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi GPLĐ và thông báo đến người sử dụng lao động để thực hiện.

Cơ quan có thẩm quyền được nhắc đến là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp GPLĐ cho người nước ngoài khi thuộc trường hợp 8 hoặc 9.

- Bước 2: NSDLĐ tiến hành thu hồi giấy phép từ người lao động nước ngoài. Thực hiện tương tự như trường hợp thu hồi giấy phép 1-7, thông báo để thu hồi giấy phép của NLĐ.

- Bước 3: Thực hiện nộp lại giấy phép lao động cho cơ quan đã cấp giấy phép và nhận kết quả xác nhận như trường hợp thu hồi giấy phép lao động 1 - 7 đã nêu ở trên.

Như vậy, về cơ bản trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài trong các trường hợp khá giống nhau. Đó là hoạt động của người sử dụng lao động, thu hồi lại GPLĐ để nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy và nhận lại xác nhận.

Người lao động nước ngoài muốn tiếp tục được làm việc tại Việt Nam thì làm thủ cấp lại GPLĐ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trên đây là các nội dung giúp độc giả trả lời câu hỏi thu hồi giấy phép lao động người nước ngoài trong trường hợp nào. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ ngay tổng đài:  19006192 để được tư vấn nhanh nhất.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X