Người lao động khi mất việc làm sẽ được hỗ trợ một khoản hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp. Pháp luật có quy định về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Cùng tìm hiểu về thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp tại bài viết.
Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là việc người lao động được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cộng dồn khoảng thời gian người lao động chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp và tính cho lần người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm 2013 quy định về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.”
Thời gian người lao động bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi khoảng thời gian đóng bảo hiểm mà người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể:
Thời gian người lao động được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp | = | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp | - | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Trong đó, mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính tương đương với 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp cần giấy tờ gì?
Hiện tại, việc bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được thực hiện tự động. Do đó, người lao động không phải cần chuẩn bị hồ sơ để được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, cần lưu ý, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động cần chuẩn bị bản sao giấy tờ có liên quan đến việc bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp để nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Hiện tại, việc bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu. Có những trường hợp người lao động không phải thực hiện thủ tục gì vẫn được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Có những trường hợp người lao động phải thực hiện một vài thủ tục để được hưởng bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.
Thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải thực hiện việc thông báo đến cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, trong thời hạn 03 ngày, người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đồng thời kèm theo bản sao của các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Những trường hợp còn lại người lao động sẽ được tự động bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, người lao động chỉ cần lấy sổ bảo hiểm xã hội đã được chốt về tự bảo quản và đóng nối tiếp sổ bảo hiểm tại đơn vị làm việc tiếp theo.
Khi nào được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, có 04 trường hợp người lao động được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp gồm:
Người lao động không đến thực hiện việc nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Người lao động không nhận khoản tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Người lao động có những tháng lẻ chưa được giải quyết việc hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng rơi vào trường hợp bị chấm dứt việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong đó, theo quy định tại Điều 53 Luật Việc làm 2013, người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây sẽ được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện nhất định:
Tìm được việc làm;
Tham gia nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự;
Đi học tập, có thời gian học tập từ đủ 12 tháng trở lên;
Chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Bị tuyên bố mất tích;
Người lao động phải chấp hành hình phạt tù hoặc người lao động bị tạm giam.
Theo đó, người lao động thuộc các trường hợp trên được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau:
Chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (đối với hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có xác định thời hạn); đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ đủ 12 tháng trở lên trong 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động mùa vụ hoặc hợp đồng lao động theo một công việc nhất định từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng);
Đã nộp hồ sơ xin được hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Chưa tìm được việc làm sau thời gian 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.