hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục chi trả tiền bồi thường được thực hiện thế nào?

Khi Nhà nước thu hồi đất, thiệt hại xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi. Do đó, người sử dụng đất sẽ được Nhà nước chi trả giá trị quyền sử dụng đất cũng như tài sản khác trên đất.Trên thực tế, việc bồi thường có thể được thực hiện bằng việc giao đất ở, nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền. Vậy thủ tục chi trả tiền bồi thường được pháp luật quy định thế nào?

Mục lục bài viết
  • 1. Thủ tục chi trả tiền bồi thường được thực hiện thế nào?
  • 2. Thẩm quyền quyết định chi trả tiền bồi thường cho người sử dụng đất?
Câu hỏi: Xin hỏi khi Nhà nước thu hồi đất thì thủ tục chi trả tiền bồi thường được pháp luật quy định thế nào? Mong nhận được giải đáp. Tôi xin cảm ơn./.

Trả lời:

Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn về thủ tục chi trả tiền bồi thường. Với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi giải đáp như sau:

1. Thủ tục chi trả tiền bồi thường được thực hiện thế nào?

Trước tiên về nguyên tắc, người sử dụng đất khi bị Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì được bồi thường.

Việc bồi thường có thể được thực hiện bằng việc giao đất ở, nhà ở có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền tương ứng với giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi (giá đất sẽ do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền) quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Dù là bồi thường dưới hình thức nào đi chăng nữa thì việc bồi thường cũng phải bảo đảm tính kịp thời, khách quan, dân chủ, công bằng đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 83 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất có thể được bồi thường (toàn bộ hoặc một số) khoản tiền bồi thường sau:

- Tiền đền bù về đất

- Bồi thường chi phí do người sử dụng đất đã đầu tư vào đất;

- Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất;

- Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ;

- Các khoản bồi thường về cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ cho người sử dụng đất nhằm giúp họ ổn định đời sống và sản xuất;

- Chi phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

- Chi phí hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của người sử dụng đất mà họ phải di chuyển chỗ ở.

- Các khoản chi phí hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

thu tuc chi tra tien boi thuong

Về thủ tục chi trả tiền bồi thường được thực hiện như sau:

Tại Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thủ tục chi trả tiền bồi thường.

Theo đó, trong thời hạn không quá 30 ngày tính từ ngày quyết định thu hồi đất của Uỷ ban nhân dân (có thẩm quyền) có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đất bị thu hồi.

Trường hợp vì nguyên nhân khác nhau mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả tiền bồi thường thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất (có đất bị thu hồi), ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ thì người có đất bị thu hồi còn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh toán thêm một khoản tiền khác bằng với mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế (số tiền chậm nộp được tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả)

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường theo phương án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì số tiền bồi thường, hỗ trợ sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của kho bạc Nhà nước.

Trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đất bị thu hồi được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhưng trước đó họ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật thì số tiền bồi thường phải trừ đi nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện để hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Như vậy, thủ tục chi trả tiền bồi thường sẽ được thực hiện theo phương thức mà chúng tôi đã trình bày ở trên.

thu tuc chi tra tien boi thuong

2. Thẩm quyền quyết định chi trả tiền bồi thường cho người sử dụng đất?

Tại điểm a khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật Đất đai năm 2013 ra quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

Tại Điều 66 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền thu hồi. Theo đó:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất khi:

+ Thu hồi đất đối với người sử dụng đất là (tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

+ Thu hồi đối với đất nông nghiệp là đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất khi:

+ Việc thu hồi đất đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

+ Việc thu hồi đất ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật

Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền ban hành quyết định chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết về thủ tục chi trả tiền bồi thường. Để tìm hiểu thêm những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài   19006199  để được tư vấn kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X