hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 15/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tên của tôi gây nhầm lẫn giới tính, tôi muốn đổi có được không?

Công dân có quyền thay đổi họ, tên trong giấy khai sinh tuy nhiên không phải trường hợp thay đổi nào cũng được chấp nhận.

Câu hỏi: Tôi là nữ, năm nay 42 tuổi. Hiện, tôi muốn thay đổi tên của mình vì lý do tên của tôi dễ gây nhầm lẫn với nam, gặp khá nhiều bất tiện. Cho tôi hỏi, tôi có đổi tên được không và thủ tục thực hiện thế nào?

Chào bạn, thực tế có nhiều người giống bạn, có nhu cầu thay đổi tên của mình. Nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể thay đổi. Mời bạn theo dõi những thông tin dưới đây để tham khảo cho trường hợp của mình.

Công dân được đổi tên trong trường hợp nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp:

“a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều này cũng quy định rõ, việc thay đổi tên không làm thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đã được xác lập theo tên cũ.

Như vậy thì với lí do, tên bạn gây nhầm lẫn giới tính, bạn có thể được chấp nhận đổi tên. Theo đó, cần đảm bảo nội dung lý do thay đổi phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể trường hợp của bạn là gây nhầm lẫn giới tính, bất tiện trong cuộc sống…

thu tuc doi ten cho nguoi lon
Công dân có thể làm thủ tục đổi tên nếu đủ điều kiện. (Ảnh minh họa)

Thủ tục đổi tên cho người lớn thực hiện thế nào?

Công dân muốn đổi tên và có lý do chính đáng để đổi, có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây để giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đã đăng ký khai sinh trước đây, để giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch.

Các bước thực hiện như sau:

Bước 1 - Nộp Tờ khai

- Tờ khai (theo mẫu quy định)

- Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi tên

- Gấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch.

Bước 2 - Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở và đủ điều kiện cán bộ tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Tiếp theo là ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh

Nếu cần phải xác minh thì thời hạn kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Nếu nơi đăng ký thay đổi họ, tên không phải là nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản cùng với bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Khi chọn và đổi tên bạn cũng cần lưu ý:

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

(Khoản 3 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015)

Lệ phí thay đổi tên là bao nhiêu?

Lệ phí hộ tịch Danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và mỗi tỉnh sẽ có một mức lệ phí thay đổi tên khác nhau. (Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC)


Vừa rồi là những thông tin liên quan đến thủ tục đổi tên cho người lớn. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X