Đất cơ sở tôn giáo là loại đất có những đặc điểm đặc biệt so với các loại đất khác Cụ thể, thủ tục giao đất cho cơ sở tôn giáo hiện nay được thực hiện như thế nào? Cùng tham khảo bài viết sau để có câu trả lời.
Đất cơ sở tôn giáo là gì? Ai có thẩm quyền quản lý?
Căn cứ Điều 159 Luật Đất đai 2013 và Phụ lục số 01 ban hành kèm Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, đất cơ sở tôn giáo là loại đất mà trên đó có các công trình tôn giáo như: nhà thờ, chùa, thánh thất, nhà nguyện, thánh đường, tu viện, niệm phật đường, trường đào tạo riêng về tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo hoặc cơ sở khác của tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động.
Đất cơ sở tôn giáo là gì?
Đất cơ sở tôn giáo là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với đất cơ sở tôn giáo. Thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh được thể hiện như sau:
- Có thẩm quyền giao đất cho cơ sở tôn giáo sử dụng (căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền thu hồi đất đối với các cơ sở tôn giáo (căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các cơ sở tôn giáo (căn cứ theo khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai 2013). Đối với quyền hạn này, UBND cấp tỉnh chỉ được uỷ quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp thực hiện.
Thủ tục giao đất cho cơ sở tôn giáo thế nào?
Theo điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2013, cơ sở tôn giáo được Nhà nước giao đất để sử dụng theo quy định. Hiện nay, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp (căn cứ khoản 5 Điều 54 Luật Đất đai 2013).
Thủ tục giao đất cho cơ sở tôn giáo thế nào?
Để được giao đất, cơ sở tôn giáo phải đáp ứng điều kiện: Có đơn xin giao đất (trong đó thể hiện rõ nhu cầu sử dụng đất); và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cơ sở tôn giáo xin giao đất.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù có nhu cầu sử dụng đất chính đáng nhưng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện không được giao thì UBND cấp tỉnh không được ban hành quyết định giao đất cho cơ sở tôn giáo.
Căn cứ Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, thủ tục giao đất cho cơ sở tôn giáo được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị, nộp hồ sơ
Cơ sở tôn giáo có nhu cầu xin giao đất chuẩn bị Đơn xin giao đất thể hiện rõ nhu cầu sử dụng đất (theo mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, cơ sở tôn giáo có nhu cầu xin giao đất nộp hồ sơ tại:
- Bộ phận một cửa cấp huyện nơi có đất để chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với địa phương đã thành lập bộ phận một cửa).
- Nộp trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất (đối với địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa).
Bước 2: Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ trình UBND cấp tỉnh, trong đó có: Đỡ xin giao đất của cơ sở tôn giáo; Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất; Tờ trình kèm dự thảo quyết định giao đất (theo mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).
Bước 3: Trả kết quả cho cơ sở tôn giáo
Sau khi có quyết định giao đất cho cơ sở tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức giao đất thực địa và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo có yêu cầu.
Thời hạn giải quyết giao đất là không quá 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của người có yêu cầu giao đất. Đối với các xã miền núi, hải đảo hoặc vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì không quá 30 ngày.
Đất cơ sở tôn giáo có được chuyển nhượng, thế chấp?
Căn cứ khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2013, quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất như sau:
“2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”
Như vậy, chủ sử dụng đất cơ sở tôn giáo không được thực hiện chuyển nhượng đất cơ sở tôn giáo cho người khác, đồng thời cũng không được thế chấp quyền sử dụng đất này.
Đất cơ sở tôn giáo được sử dụng trong thời hạn bao lâu?
Đất cơ sở tôn giáo được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để các cơ sở tôn giáo sử dụng để hoạt động tôn giáo khi được Nhà nước cho phép.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 125 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:
“7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này.”
Như vậy, đất cơ sở tôn giáo có thời hạn sử dụng là ổn định lâu dài.
Trên đây là những thông tin về thủ tục giao đất cho cơ sở tôn giáo mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ: 19006192 để được giải đáp.