hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 16/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm thế nào để khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện như thế nào là vướng mắc nhiều người quan tâm vì hiện nay hầu hết mọi thông tin cá nhân của công dân đều được cập nhật trên này.

Mục lục bài viết
  • Đối tượng khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
  • Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thế nào?
  • Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin
  • Khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin
  • Mức phí khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Câu hỏi: Tôi muốn biết ai được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc khai thác này có mất phí hay không?

Chào bạn, cảm ơn câu hỏi bạn gửi đến HieuLuat. Vướng mắc của bạn, chúng tôi xin được thông tin như sau:

Đối tượng khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định 37/2021/NĐ-CP thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:

Thứ nhất, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội:

Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà Nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

Thứ hai, tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công:

Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác (do Bộ Công an hướng dẫn).

Thứ ba là công dân:

Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không thuộc 03 đối tượng quy định nêu trên thì khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

Như vậy, có thể thấy tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua các hình thức phù hợp được quy định nêu trên.

mọi người dân đều có thể thực hiện thủ tục khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cưMọi người dân đều có thể thực hiện thủ tục khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thế nào?

Các tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ tin nhắn.

Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định 137/2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 137/2021.

Cơ quan chức năng có thẩm quyền

Cá nhân, tổ chức được phép

Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương;

- Tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử

Giám đốc Công an cấp tỉnh

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh;

- Tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý

Trưởng Công an cấp huyện

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn quản lý

Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ:

- Lý do cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Thời gian khai thác, thông tin cần khai thác

- Cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; không đồng ý cho phép khai thác thông tin  phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin

Công dân thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an.

- Khai thác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh

- Cơ quan, tổ chức (thứ nhất nội dung trên) thực hiện khai thác thông tin trong:

+ Cổng dịch vụ công quốc gia,

+ Cổng dịch vụ công Bộ Công an,

+ Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng dẫn về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Công an;

- Tổ chức, cá nhân (thứ hai và thứ ba nội dung trên) thực hiện khai thác thông tin qua: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo hướng dẫn của Bộ Công an;

- Người có thẩm quyền theo quy định sẽ xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu đồng ý cho phép khai thác thông tin thì cung cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; kkhông đồng ý cho phép khai thác thông tin phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Mức phí khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo quy định tại Thông tư 48/2022/TT-BTC thì người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định pháp luật.

Tổ chức thu phí gồm:

- Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an),

- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh,

- Công an cấp huyện

- Công an cấp xã.

Phụ lục của Thông tư này cũng quy định về mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin như sau:

Nội dụng công việc thu phí

Mức thu(đồng/trường thông tin)

Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01)

1.000

Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02)

1.000

Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03)

1.000

Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04)

1.000

Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05)

1.000

Mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin được áp dung như sau:

– Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023: Áp dụng mức thu bằng 50% mức phí nêu trên

– Kể từ ngày 01/01/2024 trở đi: Áp dụng mức thu theo mức phí quy định

Trên đây là giải đáp về Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X