Số lượng vụ án tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh thương mại được giải quyết tại Tòa án nhân dân không phải là nhỏ. Mỗi doanh nghiệp khi kinh doanh đều khó có thể tránh khỏi có những trường hợp tranh chấp phải giải quyết thông qua Tòa án. Tuy nhiên, án phí và quy trình giải quyết vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án thì không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu tường tận, rõ ràng.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đang có một vài thắc mắc về việc tự làm thủ tục khởi kiện ra tòa án xin Luật sư hỗ trợ. Vụ việc cụ thể như sau: Tôi cần khởi kiện tranh chấp do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng thương mại. Vì số tiền chậm thanh toán khoảng 250 triệu đồng nên tôi có hỏi qua một vài Luật sư, họ có tư vấn nhưng chưa nhận lời giải quyết vụ việc.
Vì vậy, trước khi có câu trả lời từ một vài Luật sư tôi đã đề nghị, tôi muốn Luật sư cho tôi được biết, quy trình và chi phí khi khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại cụ thể ra sao?
Chào bạn, tranh chấp về điều khoản thanh toán trong hợp đồng thương mại là việc khó tránh khỏi khi các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh. Với những thắc mắc của bạn về án phí, chi phí và quy trình khi khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Án phí, tạm ứng án phí trong vụ án kinh doanh thương mại là bao nhiêu?
Án phí, tạm ứng án phí là những khoản chi phí mà đương sự (nguyên đơn, bị đơn/người đi kiện, người bị kiện) phải có nghĩa vụ hoàn thành trước khi hoặc sau khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thụ lý, giải quyết vụ việc. Đối với mỗi loại tranh chấp, mỗi trường hợp tranh chấp thì mức tạm ứng án phí, án phí sẽ có sự khác biệt.
Căn cứ Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14, tiền tạm ứng án phí, án phí áp dụng đối với vụ án kinh doanh thương mại như sau:
Thứ nhất, tạm ứng án phí
Tạm ứng án phí trong vụ án dân sự được hiểu là số tiền/khoản tiền mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án yêu cầu người có yêu cầu khởi kiện hoặc người có yêu cầu phản tố hoặc người yêu cầu độc lập phải nộp trước khi Tòa án thực hiện thụ lý các yêu cầu này của họ. Mức tiền tạm ứng án phí được Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định theo quy định pháp luật và được ghi rõ trong thông báo tạm ứng án phí gửi cho đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) phải đóng tạm ứng án phí.
Nếu đương sự không đóng tạm ứng án phí trong thời hạn luật định thì Tòa án nhân dân thực hiện đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Thời hạn này là không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án nhân dân về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại.
Vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại của bạn là vụ án tranh chấp có hạn ngạch Mức tạm ứng án phí cho vụ án của vụ án dân sự tranh chấp kinh doanh thương mại sơ thẩm bằng 50% mức thu án phí. Mà án phí của vụ án dân sự tranh chấp kinh doanh thương mại có giá ngạch được tính trên giá trị tranh chấp là 250 triệu đồng (theo thông tin bạn cung cấp) là 5% của 250 triệu đồng, tức là bằng 12,5 triệu đồng.
=> Do đó, mức tạm ứng án phí bằng ½ của 12,5 triệu đồng, tức bằng 6.250.000 đồng.
Số tiền tạm ứng án phí này do nguyên đơn (người có yêu cầu khởi kiện) bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại nộp (trừ trường hợp họ được miễn hoặc giảm tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật).
Thứ hai, án phí dân sự
Án phí sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp về kinh doanh thương mại của bạn với giá trị tranh chấp là 250 triệu đồng là 12,5 triệu đồng (như chúng tôi đã phân tích, giải đáp ở trên). Đương sự có yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là người có nghĩa vụ phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Lưu ý:
- Đương sự chỉ phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp họ thỏa thuận được với nhau về việc tự giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử;
- Đương sự vẫn phải chịu 100% mức án phí dân sự sơ thẩm nếu họ thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm;
Như vậy, khi giá trị tranh chấp trong vụ án kinh doanh thương mại là 250 triệu đồng thì mức án phí mà đương sự phải chịu là 12,5 triệu đồng, mức tạm ứng án phí mà đương sự phải chịu là 6.250.000 đồng.
Thủ tục khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại như thế nào?
Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại được tiến hành theo những bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp khởi kiện
- Nguyên đơn (người có yêu cầu khởi kiện) chuẩn bị đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
- Kèm theo đơn khởi kiện, nguyên đơn cần phải chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Các tài liệu đó trong vụ việc của bạn có thể là:
+ Hợp đồng thương mại;
+ Chứng từ, tài liệu chứng minh về việc chậm thanh toán theo hợp đồng;
+ Các tài liệu khác có liên quan.
Bước 2: Xử lý đơn khởi kiện
Tại đây, Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các công việc sau đây:
- Tiếp nhận đơn khởi kiện, Chánh án tòa án nhân dân có thẩm quyền phân công Thẩm phán xử lý đơn khởi kiện;
- Sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp đơn khởi kiện chưa đúng, chưa đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định;
- Trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp không đảm bảo quy định của pháp luật, ví dụ như người khởi kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện, quá thời hiệu khởi kiện,...theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Thông báo mức tạm ứng án phí đối với đương sự. Ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu đương sự không nộp đầy đủ tạm ứng án phí theo quy định pháp luật;
- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có) trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện;
- Quyết định và gửi thông báo thụ lý vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại tới các đương sự theo quy định pháp luật.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Đây là bước rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc. Thời gian chuẩn bị xét xử là không quá 04 tháng, trong trường hợp đặc biệt thì thời gian này là không quá 06 tháng. Tòa án thực hiện các công việc sau đây:
- Thông báo cho các đương sự về phiên giao nộp, công khai, tiếp cận chứng cứ và hòa giải tại Tòa án nhân dân;
- Bị đơn có quyền gửi yêu cầu phản tố/Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền gửi đơn yêu cầu độc lập và chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu này tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
- Hòa giải tại Trung tâm hòa giải ngoài tòa án nhân dân;
- Tiếp nhận các chứng cứ bổ sung (nếu có);
- Các bên có thể đề nghị Tòa án công nhận về việc hòa giải thành ngoài tòa án hoặc hòa giải thành trong quá trình chuẩn bị xét xử;
- Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định đưa vụ án ra xét xử sau khi không có kết quả hòa giải thành trong quá trình chuẩn bị xét xử;
Bước 4: Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về tranh chấp kinh doanh thương mại
- Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định pháp luật;
- Việc xét xử được thực hiện dựa trên phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự;
- Các bên có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Như vậy, trên đây là quy trình tố tụng (thực hiện khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm) cơ bản nhất được áp dụng khi bạn tiến hành khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng thương mại. Tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà có thể phát sinh thêm các công việc hoặc các quy trình khác, ví dụ như: Thủ tục giải quyết rút gọn vụ án dân sự sơ thẩm, Đình chỉ/tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm; Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án…
Trên đây là giải đáp thắc mắc về thủ tục khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.