hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Muốn di chúc quyền sử dụng đất phải làm thế nào?

Khi để lại di chúc phân chia quyền sử dụng đất, người có di sản có thể lựa chọn một trong bốn hình thức di chúc. Thủ tục để lại di chúc quyền sử dụng đất thực hiện thế nào?

Mục lục bài viết
  • Lập di chúc quyền sử dụng đất có công chứng
  • Lập di chúc quyền sử dụng đất có chứng thực
  • Lập di chúc quyền sử dụng đất có người làm chứng
  • Lập di chúc quyền sử dụng đất không có người làm chứng
Câu hỏi: Tôi có một mảnh đất mang tên mình, nay muốn lập di chúc để lại cho con, xin chỉ giúp tôi thủ tục lập di chúc quyền sử dụng đất hợp pháp?
Chào bạn. Trước hết, để lập di chúc quyền sử dụng đất cho con, bạn phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể để di chúc có hiệu lực

Hiện nay, bạn đang trong tình trạng minh mẫn, khỏe mạnh, vì thế, phải lập di chúc bằng văn bản. Pháp luật cho phép người có tài sản được lập di chúc bằng văn bản với các hình thức sau đây:

Lập di chúc quyền sử dụng đất có công chứng

Căn cứ: Luật Công chứng 2014

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Phiếu yêu cầu công chứng đã điền đủ thông tin theo yêu cầu;

- Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của bạn (người đề nghị công chứng);

- Bản di chúc dự thảo (nếu có);

- Sổ đỏ.

Xem thêm: Đất không có Sổ đỏ, chia thừa kế được không?

Bước 2: Nộp hồ sơ tại văn phòng/phòng công chứng

 

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

- Công chứng viên phải giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của di chúc.

- Công chứng viên có quyền đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định nếu có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc lập di chúc có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của di chúc chưa được mô tả cụ thể; trường hợp không làm rõ được thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

- Công chứng viên phải kiểm tra dự thảo di chúc nếu có, hoặc tự soạn thảo di chúc. Nếu trong dự thảo di chúc người yêu cầu công chứng di chúc đã soạn sẵn có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.

Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Bước 4: Trả kết quả

Người đề nghị công chứng ký vào từng trang của di chúc. Sau đó, xuất trình bản chính của các giấy tờ để đối chiếu trước khi công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc.

Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; trường hợp có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng không quá 10 ngày làm việc.

thu tuc lap di chuc quyen su dung dat
 

Lập di chúc quyền sử dụng đất có chứng thực

Theo Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, việc chứng thực di chúc ở Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Dự thảo di chúc. 

- Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu chứng thực còn hiệu lực (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu);

- Sổ đỏ.

Giấy tờ cần xuất trình: Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú/Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của bạn và người nhận di sản;

Bước 2: Chứng thực di chúc

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn tới Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu chứng thực.

Tại đây, người thực hiện chứng thực hoặc người tiếp nhận thực hiện các công việc theo thứ tự sau:

- Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc; kiểm tra sự tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của người yêu cầu chứng thực di chúc;

- Người lập di chúc ký tên vào di chúc trước mặt người thực hiện chứng thực (nếu di chúc có nhiều trang thì ký hoặc điểm chỉ vào từng trang). Nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch;

- Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng cho di chúc của bạn.

Bước 3: Trả kết quả

Thời gian giải quyết yêu cầu chứng thực di chúc của bạn là không quá 02 ngày làm việc hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực di chúc (Điều 37 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Lệ phí chứng thực di chúc: 50.000 đồng (Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC). 
 

Lập di chúc quyền sử dụng đất có người làm chứng

Người làm chứng không được thuộc trường hợp sau:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Một số lưu ý khi lập di chúc có người làm chứng:

- Người lập di chúc có thể tự mình viết bản di chúc hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc;

- Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;

- Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Xem thêm: Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thế nào?


Lập di chúc quyền sử dụng đất không có người làm chứng

Di chúc quyền sử dụng đất không có người làm chứng thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc (như vậy, di chúc đánh máy trong trường hợp này không được pháp luật công nhận);

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải có các nội dung sau:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản.

+ Các nội dung khác.

- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu;

- Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;

- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.

Lưu ý: Nếu người lập di chúc là người bị hạn chế về thể chất thì không được phép lập di chúc không có người làm chứng.

Như vậy, dù di sản là quyền sử dụng đất - tài sản rất có giá trị thì vẫn được lập bằng cách viết tay mà không cần người làm chứng hay công chứng, chứng thực. Nếu di sản là nhà đất nhưng không có Sổ đỏ thì không thể lập di chúc có công chứng/chứng thực do không có đủ giấy tờ chứng minh sở hữu...

Trên đây là giải đáp về thủ tục lập di chúc quyền sử dụng đất. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Di chúc viết tay không người làm chứng có giá trị không?

Có thể bạn quan tâm

X