Tách Sổ đỏ là một trong những thủ tục người dân thường sử dụng. Tuy nhiên, không phải người nào cũng biết thủ tục này thực hiện thế nào và hết bao nhiêu tiền?
Trả lời:
Tách Sổ đỏ là gì? Điều kiện tách Sổ đỏ thế nào?
Sổ đỏ là các gọi phổ biến của người dân khi nói đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Hiện nay, có hai cách gọi Giấy chứng nhận là Sổ đỏ và Sổ hồng - căn cứ vào màu sắc của Giấy chứng nhận.
Tách là việc chia từ một thành hai hoặc nhiều. Do đó, tách thửa được hiểu là việc người sử dụng đất yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tách thửa đất có diện tích lớn hơn thành thửa đất có diện tích bé hơn.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể tách thửa đất được mà phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, gồm:
- Đáp ứng điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu. Trong đó, với mỗi tỉnh, thành phố, diện tích và kích thước tối thiểu để tách thửa được quy định khác nhau bởi theo quy định tại khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:
UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương
Với tình huống của bạn, do đất của bạn tại TP. Hà Nội nhưng bạn không nói cụ thể địa chỉ ở đâu nên việc xác định diện tích tối thiểu để tách thực hiện như sau:
+ Các phường có hạn mức giao đất và công nhận quyền sử dụng đất dao động từ 30 - 90m2;
+ Các xã giáp ranh quận và thị trấn thì dao động từ 60 - 120m2;
+ Các xã vùng đồng bằng thì dao động từ 80 - 180m2…
- Có Sổ đỏ. Tuy nhiên, ở một số địa phương chỉ yêu cầu, thửa đất được tách có đủ điều kiện để cấp Sổ đỏ.
- Không thuộc trường hợp không được tách thửa như: Thửa đất nằm ở dự án phát triển nhà ở, dự án đấu giá quyền sử dụng đất, gắn liền với diện tích nhà đang thuê…
Ngoài ra, nếu tách thửa để mua bán, tặng cho… thì đất phải không có tranh chấp, không bị kê biên, đang trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu bạn ở nội thành TP. Hà Nội thì diện tích cũ của bạn phải có diện tích tối thiểu là 60m2, có chiều rộng mặt tiền, chiều sâu so với chỉ giới từ 3m trở lên, không thuộc trường hợp không được tách thửa.
Hồ sơ tách Sổ đỏ gồm những gì?
Hồ sơ tách Sổ đỏ được quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT gồm 01 bộ:
- Đơn đề nghị tách thửa.
- Bản gốc Sổ đỏ. Nếu có yêu cầu cần chuẩn bị thêm hồ sơ kỹ thuật về thửa đất.
- Nếu mua bán, tặng cho, phân chia tài sản… thì cần phải có hợp đồng mua bán, tặng cho, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản… hợp lệ.
- Giấy tờ tùy thân của người tách Sổ đỏ: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu…
Thủ tục tách Sổ đỏ: Hồ sơ, chi phí thế nào? (Ảnh minh họa)
Nộp hồ sơ tách Sổ đỏ ở đâu?
Để thực hiện tách Sổ đỏ, người sử dụng đất có thể đến cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sau đây:
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất (nếu có nhu cầu).
- Bộ phận Một cửa - nếu địa phương đã có bộ phận Một cửa để tiếp nhận và trả kết quả.
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nếu địa phương chưa có Bộ phận Một cửa.
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu địa phương chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Tách Sổ đỏ mất bao nhiêu thời gian?
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện tách thửa không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không tính ngày nghỉ, ngày lễ, không tính thời gian nhận hồ sơ tại xã, thời gian nộp thuế, phí… của người sử dụng đất…
Riêng với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì thời gian này tăng thêm 10 ngày, tương đương với tách thửa sẽ mất không quá 25 ngày.
Những khoản tiền phải nộp gồm gì?
Khi thực hiện tách Sổ đỏ, người sử dụng đất phải nộp các chi phí sau đây:
- Chi phí đo đạc do khi tách thửa phải đo đạc phần diện tích cần tách. Đây cũng là một trong những điều kiện đầu tiên để xác định thửa đất có thể tách thửa được không.
Khoản chi phí thường do tổ chức đo đạc thực hiện và thu theo giá của mỗi đơn vị.
- Chi phí cấp Sổ đỏ. Chi phí này do từng Hội đồng nhân dân của từng địa phương quy định. Tuy nhiên, mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy (cấp mới), tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đổi (cấp đổi) theo quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BTC.
Trên đây là quy định về thủ tục tách Sổ đỏ. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Thủ tục sang tên Sổ đỏ mất bao lâu? Nếu chậm thì làm sao?