Tách thửa để bán, tặng cho…là giao dịch về đất đai diễn ra rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ quy trình thực hiện thủ tục tách thửa và làm sổ đỏ mới cho thửa đất được tách ra.
1. Thủ tục tách thửa đất ở này của tôi và việc cấp sổ đỏ mới cho thửa đất vừa mới tách ra cho bạn tôi được thực hiện như thế nào?
2. Chi phí tách thửa để bán cho bạn tôi gồm những loại gì?
Chào bạn, với câu hỏi liên quan đến thủ tục tách thửa đất ở để bán, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Thủ tục tách thửa và làm sổ đỏ mới cho thửa đất sau khi tách thế nào?
Trước hết, để được tách thửa và đủ điều kiện chuyển nhượng thì thửa đất của bạn cần phải đảm bảo các quy định của Điều 188, Điều 143, Điều 144 Luật Đất đai 2013 như sau:
- Thửa đất ở của bạn đã được cấp Giấy chứng nhận/sổ hồng: Theo thông tin bạn cung cấp thì thửa đất của bạn đã có sổ hồng, do đó, đã thỏa mãn điều kiện này;
- Thửa đất của bạn không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
- Thửa đất của bạn còn thời hạn sử dụng đất;
- Thửa đất của bạn phải đảm bảo các điều kiện để được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (thường các điều kiện sẽ bao gồm diện tích tối thiểu, kích thước tối thiểu, quyền hạn chế đối với thửa đất liền kề, tách thửa hình thành đường giao thông…).
=> Khi thửa đất của bạn đã đáp ứng toàn bộ những điều kiện trên thì có thể nộp hồ sơ đề nghị tách thửa và tiến hành tách thửa, chuyển nhượng.
Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trình tự tách thửa đất như sau:
Bước 1: Bạn chuẩn bị hồ sơ đề nghị tách thửa theo quy định
01 bộ hồ sơ phải chuẩn bị để đề nghị tách thửa được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT gồm có:
- Mẫu đơn số 11/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT: Đơn đề nghị tách, hợp thửa đất. Đơn này phải được điền đầy đủ thông tin.
- Giấy chứng nhận/sổ hồng (bản chính) đã được cấp cho thửa đất ở của bạn;
Ngoài 02 tài liệu, bạn cũng nên chuẩn bị thêm sổ hộ khẩu/căn cước công dân của mình, nếu đã nhờ đơn vị đo vẽ tiến hành đo đạc địa chính để tách thửa đất thì bạn cũng có thể nộp kèm bản đo vẽ này trong hồ sơ đề nghị tách thửa.
Nơi nộp, tiếp nhận hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất ở của bạn, hoặc văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Bước 2: Văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất thực hiện các công việc chuyên môn
Tại đây, cơ quan này sẽ có trách nhiệm, thẩm quyền tiến hành xử lý hồ sơ yêu cầu tách thửa như sau:
- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị tách thửa của bạn từ bộ phận tiếp nhận;
- Tiến hành đo đạc địa chính để lập bản trích đo địa chính theo yêu cầu tách thửa của bạn (nếu bạn đã có bản trích đo địa chính thì cơ quan chuyên môn có thể thực hiện kiểm tra, thẩm định lại trên thực địa nếu cần thiết);
- Lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận chuyển nhượng khi đã có đủ điều kiện (khi có hồ sơ sang tên);
- Tiến hành chỉnh lý, cập nhật biến động về người sử dụng đất, kích thước, diện tích…và các thông tin khác trong hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định;
- Trả lời cho bạn bằng văn bản về việc hồ sơ đề nghị tách thửa có đảm bảo đủ điều kiện để được tách thửa hay không (thường dưới hình thức công văn/thông báo);
Bước 3: Trả kết quả
Bạn nhận kết quả là công văn/thông báo trả lời về việc hồ sơ đề nghị tách thửa của mình có được chấp thuận hay không (đủ điều kiện tách thửa theo quy định hay không).
Trường hợp hồ sơ của bạn đủ điều kiện tách thửa thì bạn cùng bên mua thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất có công chứng/chứng thực theo quy định.
Trường hợp hồ sơ của bạn không đủ điều kiện tách thửa thì bạn không thể ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất.
Bước 4: Nộp hồ sơ sang tên/đăng ký biến động sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng
Bước này chỉ áp dụng khi thửa đất của bạn đủ điều kiện tách thửa và bạn cùng bên mua đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất có công chứng/chứng thực theo quy định.
Nơi nộp, tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/bộ phận một cửa nơi có đất (nếu địa phương đã có bộ phận này).
Hồ sơ nộp theo Thông tư 80/2021/TT-BTC gồm có:
- Đơn đăng ký biến động đất đai theo mẫu số 09/ĐK;
- Hợp đồng công chứng/chứng thực;
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho bên bán kê khai (mẫu 03/BĐS-TNCN);
- Tờ khai lệ phí trước bạ áp dụng cho bên mua (mẫu 01/LPTB);
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có thể áp dụng cho cả bên bán và bên mua (mẫu 04/TK-SDDPNN);
Bước 5: Văn phòng/chi nhánh văn phòng đất đai nơi có đất thực hiện các công việc
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, văn phòng/chi nhánh văn phòng đất đai nơi có đất thực hiện thẩm định hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp mới Giấy chứng nhận cho bên mua.
Thực hiện xác nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp cho bạn hoặc cấp mới Giấy chứng nhận cho bạn nếu bạn có yêu cầu.
Lập phiếu chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tính toán tiền thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với bên bán, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với bên bán nếu chưa hoàn thành và các nghĩa vụ thuế khác (nếu có).
Bước 6: Nhận kết quả
Bạn nhận kết quả là Giấy chứng nhận cấp mới cho bên mua và Giấy chứng nhận đã được xác nhận biến động/được cấp mới theo yêu cầu của bạn.
Như vậy, đây là quy trình chi tiết về việc tách thửa và chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất cũng như việc cấp Giấy chứng nhận mới cho bên mua. Dựa trên những giải đáp của chúng tôi, bạn lựa chọn cách thức xử lý phù hợp cho mình.
Tách sổ đỏ hết bao nhiêu tiền?
Với thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn về mức chi phí khi thực hiện thủ tục tách thửa đất để chuyển nhượng như sau:
Giai đoạn đề nghị tách thửa
Chi phí đo đạc, tách thửa đất: Phí thỏa thuận với đơn vị đo vẽ (nếu đơn vị này hoạt động bằng nguồn vốn ngoài Ngân sách Nhà nước) hoặc theo Quyết định thu lệ phí của từng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu đơn vị đo vẽ là bộ phận chuyên môn/đơn vị hoạt động bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước).
Giai đoạn ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất
Chi phí ký kết hợp đồng chuyển nhượng: Công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì mức phí được tính theo Thông tư 256/2016/TT-BTC, còn nếu chứng thực hợp đồng chuyển nhượng thì tính theo Thông tư 226/2016/TT-BTC.
Thù lao công chứng (chi phí soạn thảo, in ấn…): Theo thỏa thuận với văn phòng công chứng/phòng công chứng nhưng không được vượt quá mức trần theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
Giai đoạn đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất
+ Lệ phí trước bạ nhà đất: 0,5% giá trị tài sản chuyển nhượng (Nghị định 10/2022/NĐ-CP). Giá này được căn cứ theo hợp đồng và được so sánh với giá trong bảng giá đất nơi có đất, giá nào cao hơn thì tính lệ phí trước bạ theo giá đó.
+ Lệ phí thẩm định hồ sơ: Thu, nộp theo Quyết định của từng Hội đồng nhân dân tỉnh nơi có đất (Thông tư 85/2019/TT-BTC).
+ Lệ phí cấp giấy chứng nhận: Khoản phí này do Hội đồng nhân dân các tỉnh nơi có đất quy định (Thông tư 85/2019/TT-BTC);+ Thuế thu nhập cá nhân: Được tính bằng 2% giá trị chuyển nhượng. Giá này được căn cứ theo hợp đồng và được so sánh với giá trong bảng giá đất nơi có đất, giá nào cao hơn thì tính thuế thu nhập theo giá đó.
+ Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Số tiền thuế được thu theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 (nếu tại thời điểm mua bán/chuyển nhượng bạn chưa hoàn thành).
Như vậy, đây là các khoản thuế, phí phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục tách thửa để bán cho bạn của bạn.
>> Tách thửa đất dịch vụ thế nào?
>> Bố mẹ không đăng ký kết hôn thì có được tặng cho con đất không?