Khi gặp khó khăn, nhất là trong thời gian này, tình hình dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều công ty đã không thể “chống chọi” được nên đành tạm ngừng kinh doanh. Vậy thủ tục này được thực hiện thế nào?
Tạm ngừng kinh doanh là gì? Có phải công bố không?
“Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Đây là một trong những tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc về đăng ký doanh nghiệp nêu tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, có thể hiểu, tạm ngừng kinh doanh là một trong các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó chỉ tạm ngừng hoạt động mà không chấm dứt tư cách pháp nhân.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, công ty phải gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở.
Không chỉ vậy, khi tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty trong thời hạn 36 tháng kể từ khi tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Như vậy, có thể hiểu, tạm ngừng kinh doanh là việc công ty tạm thời ngừng kinh doanh mà không phải chấm dứt hoàn toàn tư cách pháp nhân của mình và thủ tục này bắt buộc phải công bố cũng như gửi thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh.
Công ty cần làm gì để tạm ngừng kinh doanh? (Ảnh minh họa)
Công ty được tạm ngừng trong thời gian bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh không chỉ một lần. Tuy nhiên, khi hết hạn đã thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh chậm nhất trong 03 ngày trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Và đặc biệt, khoản 1 Điều 66 Nghị định 01 này khẳng định:
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Như vậy, công ty có thể tạm ngừng kinh doanh trong thời gian không quá 01 năm và có thể được kéo dài thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của công ty thực hiện thế nào?
3.1 Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh gồm những gì?
Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP gồm:
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh.
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên (Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, công ty hợp danh) hoặc biên bản họp của Hội đồng quản trị (Công ty cổ phần); Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu côn ty (Công ty TNHH một thành viên) về việc tạm ngừng kinh doanh.
- Văn bản đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao Giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).
Nếu có ủy quyền cho người khác thực hiện thì phải nộp kèm theo Văn bản ủy quyền, bản sao giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền gồm Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hạn.
3.2 Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh ở đâu? Bằng hình thức nào?
Để nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp cho Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đó có trụ sở chính.
Về hình thức nộp, công ty có thể nộp thông qua:
- Trực tiếp: Khi nộp hồ sơ trực tiếp, doanh nghiệp phải nộp tại Bộ phận Một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh.
- Qua bưu chính.
- Nộp online: Qua Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ dangkykinhdoanh.gov.vn.
Lưu ý: Nếu ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, công ty tạm ngừng kinh doanh bắt buộc phải nộp hồ sơ qua Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
3.3 Thời gian giải quyết tạm ngừng kinh doanh có lâu không?
Khoản 3 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, sau khi Phòng Đăng ký kinh doanh nhận hồ sơ sẽ trao Giấy biên nhận. Trong khi đó, Phòng này sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy xác nhận về việc công ty tạm ngừng kinh doanh.
Thời gian giải quyết thủ tục này là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Sau khi giải quyết hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dăng ký doanh nghiệp sang tạm ngừng kinh doanh.
Lưu ý: Theo khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty phải nộp đủ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệm còn nợ; thanh toán các khoản nợ, hoàn thành hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3.4 Tạm ngừng kinh doanh có mất phí không?
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư số 47/2019/TT-BTC, tạm ngừng kinh doanh là trường hợp được miễn phí, lệ phí.
Trên đây là quy định về thủ tục tạm ngừng kinh doanh của công ty theo quy định mới nhất. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
>> Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp thực hiện thế nào? Cần hồ sơ gì?