Điều kiện và thủ tục thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được thực hiện thế nào?
Đối tượng được thuê nhà: Căn cứ Điều 57 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy người đang thực tế sử dụng nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà thì được thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là. Bao gồm:
+ Người được Nhà nước bố trí sử dụng nhà ở từ trước ngày 27 tháng 11 năm 1992
+ Người đang thuê nhà ở trước ngày 27 tháng 11 năm 1992 nhưng bị điều chuyển công tác và phải trả lại nhà ở đang thuê, sau đó được bố trí cho thuê nhà ở khác sau ngày 27 tháng 11 năm 1992
+ Người được bố trí sử dụng nhà trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 11 năm 1992 đến trước ngày 05 tháng 7 năm 1994
+ Người được Nhà nước bố trí sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 05 tháng 7 năm 1994 đến trước ngày 19 tháng 01 năm 2007.
Ngoài ra, người thuê nhà ở cũ còn phải thuộc một trong các trường hợp:
- Đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà ở và có tên trong hợp đồng nhưng hợp đồng thuê nhà hết thời hạn
- Tuy không có hợp đồng thuê nhà ở nhưng đang thực tế sử dụng nhà ở và có quyết định, văn bản phân phối, bố trí nhà ở và có tên trong quyết định, văn bản bố trí nhà
- Có hợp đồng thuê nhà, đang thực tế sử dụng nhà ở nhưng không có tên trong hợp đồng và đến nay nhà ở không có tranh chấp, khiếu kiện
- Có quyết định, văn bản phân phối, bố trí nhà ở, đang thực tế sử dụng nhà ở nhưng không có tên trong quyết định, văn bản này và nhà ở này, đến nay nhà ở không có tranh chấp, khiếu kiện
Việc thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được thực hiện như sau:
Căn cứ Điều 60 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị thuê nhà ở;
- Các loại tài liệu chứng minh việc đang quản lý, sử dụng nhà ở
- Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân
- Trường hợp là vợ chồng thì phải có thêm Giấy đăng ký kết hôn;
- Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực)
- Nếu thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở thì phải có giấy tờ chứng minh
Bước 2: Thủ tục thực hiện
Người đề nghị thuê nhà ở nộp 02 bộ hồ sơ hợp lệ tại cơ quan quản lý nhà ở (Sở Xây dựng) hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà ở. Cơ quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, viết giấy biên nhận; nếu hồ sơ còn thiếu giấy tờ thì phải hướng dẫn bổ sung giấy tờ.
Cơ quan quản lý nhà ở phải kiểm tra, lập tờ trình, dự thảo quyết định phê duyệt đối tượng được thuê nhà ở cũ để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định. Căn cứ vào đề nghị, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, ra quyết định phê duyệt đối tượng được thuê nhà ở và thông báo cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở biết để thực hiện ký kết hợp đồng thuê nhà.
Bước 3: Trả kết quả
Đơn vị quản lý vận hành nhà ở căn cứ vào quyết định phê duyệt đối tượng được thuê nhà ở để ký kết hợp đồng với người thuê nhà ở.
Thời hạn giải quyết là không quá 30 ngày, kể từ khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thuê nhà ở nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý, đối với người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà ở nhưng không có tên trong hợp đồng hoặc người đang thực tế sử dụng có quyết định hoặc văn bản phân phối, bố trí nhà ở nhưng không có tên trong quyết định, văn bản này và nhà ở này không có tranh chấp, khiếu kiện thì việc thuê nhà được thực hiện như sau:
+) Trường hợp nhận chuyển quyền thuê nhà ở trước ngày 06 tháng 6 năm 2013 thì sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đăng tải 03 lần liên tục thông tin về nhà ở trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị mình hoặc trên báo của địa phương.
Nếu không có tranh chấp, khiếu kiện về nhà ở cho thuê (sau 30 ngày, kể từ ngày đăng tin lần cuối) thì đơn vị quản lý vận hành nhà ở ký hợp đồng với người thuê và báo cáo cơ quan quản lý nhà ở biết để theo dõi, quản lý. Trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện về nhà ở này thì đơn vị quản lý vận hành nhà ở chỉ thực hiện ký hợp đồng thuê sau khi đã giải quyết xong tranh chấp, khiếu kiện;
+) Nếu người đang sử dụng nhà ở là người được nhận chuyển quyền thuê nhà ở từ ngày 06 tháng 6 năm 2013 thì sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ. Trường hợp nhà ở không có tranh chấp, khiếu kiện thì có văn bản đồng ý về việc chuyển nhượng quyền thuê và phải gửi văn bản này kèm theo bản sao hồ sơ đề nghị thuê nhà cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở để thực hiện ký hợp đồng với người thuê. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu cơ quan quản lý nhà ở không đồng ý thì phải có văn bản trả lời rõ lý do cho người đề nghị thuê nhà ở biết.
Thế nào là Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước?
Tại Điều 80 Luật Nhà ở 2014 quy định về các loại Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Gồm:
- Nhà ở công vụ được Nhà nước xây dựng bằng ngân sách Nhà nước hoặc nhà ở do Nhà nước xác lập quyền sở hữu.
- Nhà ở để phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước,
- Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu, công trái quốc gia, vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
- Nhà ở cũ có nguồn gốc do Nhà nước đầu tư, xây dựng bằng ngân sách Nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu Nhà nước và đang cho, cá nhân, hộ gia đình thuê.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Bạn vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ nếu còn thắc mắc.