hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục ủy quyền: Hồ sơ, biểu mẫu áp dụng là gì?

Trong nhiều trường hợp, khi không thể trực tiếp thực hiện giao dịch, nhiều người thắc mắc có được ủy quyền cho người khác làm thay không? Nếu được thì thực hiện thủ tục ủy quyền này thế nào?

Mục lục bài viết
  • Trường hợp nào không thể ủy quyền cho người khác?
  • Có bắt buộc phải công chứng ủy quyền không?
  • Thủ tục công chứng ủy quyền thực hiện thế nào?
  • Lập mẫu ủy quyền viết tay thế nào?
  • Hợp đồng ủy quyền công chứng dùng mẫu nào?
Câu hỏi: Tôi hiện đang thực hiện thủ tục ly hôn với vợ nhưng do dịch bệnh nên tôi đang bị kẹt trong TP. HCM và hiện chưa thể bay ra Hà Nội để thực hiện. Giờ Tòa án đang gọi tôi ra Hà Nội để thực hiện hòa giải. Vậy tôi có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên hòa giải được không ạ?

Trả lời:

Trường hợp nào không thể ủy quyền cho người khác?

Theo quy định của pháp luật, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể ủy quyền được. Trong đó, có thể kể đến một số thủ tục sau đây bắt buộc các bên phải trực tiếp thực hiện:

- Đăng ký kết hôn: Theo khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014, hai bên nam, nữ phải cùng có mặt tại Ủy ban nhân dân xã hoặc huyện để ký tên vào giấy đăng ký kết hôn và nhận đăng ký kết hôn.

- Ly hôn: Hai vợ, chồng phải cùng có mặt tại phiên tòa giải quyết việc ly hôn theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy vậy, vợ, chồng có thể nhờ người khác nộp đơn và làm một số thủ tục khác khi ly hôn.

- Công chứng di chúc: Theo Điều 56 Luật Công chứng năm 2014, người lập di chúc phải tự mình thực hiện yêu cầu công chứng, không được nhờ người khác thay.

- Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2: theo khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009, người có yêu cầu phải tự mình thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 và không được ủy quyền cho người khác…

Như vậy, không phải mọi trường hợp cá nhân đều có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay giao dịch, công việc của mình. Nếu pháp luật yêu cầu tự bản thân người đó phải thực hiện thì người này phải tự thực hiện.

Trường hợp của bạn thuộc trường hợp không được ủy quyền do đó bắt buộc bạn phải bay về Hà Nội để thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án.

thu tuc uy quyen
Ủy quyền bắt buộc thực hiện trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Tôi muốn ủy quyền đi nhận bằng thì có bắt buộc phải ra Văn phòng công chứng không ạ?

Trả lời:


Có bắt buộc phải công chứng ủy quyền không?

Hiện nay, ủy quyền (dù là giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền) không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực bởi các nguyên nhân sau đây:

- Với giấy ủy quyền: Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về giấy ủy quyền. Đây được hiểu là hành vi pháp lý đơn phương và cũng không có quy định nào yêu cầu giấy ủy quyền phải công chứng hay chứng thực.

- Với hợp đồng ủy quyền: Dù Điều 55 Luật Công chứng 2014 có quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền nhưng không yêu cầu đây là văn bản bắt buộc phải công chứng.

Mặc dù thế nhưng trong một số trường hợp, ủy quyền phải công chứng như khi ủy quyền đăng ký hộ tịch theo quy định tại Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP; ủy quyền trong việc mang thai hộ theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình)…

Do đó, ủy quyền không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực. Với câu hỏi của bạn, do không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng nhưng cần lưu ý, trường bạn có yêu cầu văn bản ủy quyền phải công chứng không.

Vì vậy, căn cứ vào yêu cầu của trường bạn để thực hiện công chứng, chứng thực việc ủy quyền này.

Câu hỏi: Tôi đang ở trong Nha Trang nhưng đang muốn bán miếng đất ở quê cho người khác. Tuy nhiên, vì già yếu nên hai vợ, chồng tôi không thể về quê được. Vậy tôi có được ủy quyền cho người khác bán đất hộ không? Nếu được thì thủ tục ủy quyền này thực hiện thế nào? Tôi chỉ viết tay với người ủy quyền thôi được không? Và tôi phải dùng mẫu nào để ủy quyền? Tôi cảm ơn rất nhiều.

Trả lời:

Thủ tục công chứng ủy quyền thực hiện thế nào?

Cần chuẩn bị gì để ủy quyền cho người khác?

Như phân tích ở trên, ủy quyền không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, nếu công chứng ủy quyền thì phải thực hiện theo thủ tục quy định chi tiết tại Luật Công chứng năm 2014. Cụ thể, hai bên ủy quyền và được ủy quyền cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây:

- Giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu, hộ chiếu.

- Giấy tờ chứng minh quan hệ: Đăng ký kết hôn, bản án ly hôn, giấy khai sinh… nếu việc ủy quyền của vợ, chồng hoặc có liên quan đến các mối quan hệ khác như cha, mẹ con; anh, chị, em…

- Giấy tờ liên quan đến nội dung ủy quyền: Sổ đỏ, giây chứng nhận đăng ký xe, giấy mời, giấy đăng ký kinh doanh…

Phải đến đâu để ủy quyền? Chỉ hai bên thực hiện được không?

Bởi ủy quyền không bắt buộc phải công chứng, chứng thực nên hai bên hoàn toàn có thể tự ký hợp đồng/giấy ủy quyền và thực hiện theo thỏa thuận đó.

Lưu ý: Đây phải là các trường hợp không phải công chứng, chứng thực nêu trên.

Riêng trường hợp phải công chứng, hai bên ủy quyền và được ủy quyền phải đến tổ chức hành nghề công chứng gồm Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng 2014.

Tuy nhiên, theo Điều 42 Luật Công chứng, hai bên ủy quyền có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào để thực hiện việc công chứng ủy quyền trừ các ủy quyền liên quan đến quyền với bất động sản.

Đặc biệt, hai bên có thể không cần cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện ủy quyền theo khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng. Cụ thể:

Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Lệ phí ủy quyền là bao nhiêu?

Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức phí công chứng hợp đồng/giấy ủy quyền:

- Công chứng hợp đồng ủy quyền: 50.000 đồng/trường hợp

- Công chứng giấy ủy quyền: 20.000 đồng/trường hợp.

thu tuc uy quyen
Thủ tục ủy quyền: Hồ sơ, biểu mẫu áp dụng là gì? (Ảnh minh họa)


Lập mẫu ủy quyền viết tay thế nào?

Căn cứ Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, khi ủy quyền, cá nhân có thể dùng mẫu giấy ủy quyền dưới đây.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

GIẤY ỦY QUYỀN

  • Căn cứ Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Căn cứ vào các văn bản hiến pháp hiện hành.

.............. , ngày ...... tháng ...... năm 20....... ; chúng tôi gồm có:

I. BÊN ỦY QUYỀN:

Họ tên: ...........................................................................................................

Địa chỉ: ..............................................................................................................

Số CMND: .............................  cấp ngày: ......................  nơi cấp: .............

Quốc tịch: ......................................................................................................

II. BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN:

Họ tên: ...........................................................................................................

Địa chỉ: ..........................................................................................................

Số CMND: .............................  cấp ngày: ......................  nơi cấp: .............

Quốc tịch: ......................................................................................................

III. NỘI DUNG ỦY QUYỀN:

........................................................................................................................

........................................................................................................................

........................................................................................................................

IV. CAM KẾT

- Hai bên cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật về mọi thông tin ủy quyền ở trên.

- Mọi tranh chấp phát sinh giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ do hai bên tự giải quyết.

Giấy ủy quyền trên được lập thành .......... bản, mỗi bên giữ ......... bản.

BÊN ỦY QUYỀN                             BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN

(Ký, họ tên)                                                (Ký, họ tên)

Hợp đồng ủy quyền công chứng dùng mẫu nào?

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN

Số: …………/HĐUQ

Hôm nay, ngày …… tháng …… năm ……. Tại ……………,, chúng tôi gồm:

Bên ủy quyền (sau đây gọi là Bên A):

Ông (Bà):……………………………………….

Sinh ngày:.……………………………………………………………………..

CMND/CCCD:……..…….cấp ngày……… tại ……………………..………..

Hộ khẩu thường trú: …………………………………………………………..

Bên được ủy quyền (sau đây gọi là Bên B):

Ông (Bà):……………………………………….

Sinh ngày:.……………………………………………………………………..

CMND/CCCD:……..…….cấp ngày……… tại …………………..

Hộ khẩu thường trú: …………………………………………………………..

Nay hai bên đồng ý việc giao kết hợp đồng ủy quyền với các thỏa thuận sau đây:

ĐIỀU 1: PHẠM VI ỦY QUYỀN

Ghi cụ thể nội dung công việc ủy quyền, phạm vi ủy quyền mà bên B có nghĩa vụ thực hiện nhân danh bên A……………………………………………

ĐIỀU 2: THỜI HẠN ỦY QUYỀN

Thời hạn ủy quyền là ........ …… kể từ ngày .......... tháng ……. năm ……….

ĐIỀU 3: THÙ LAO

Thù lao ủy quyền là ………………

ĐIỀU 4: NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A

1. Bên A có các nghĩa vụ sau đây:

a. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên B thực hiện công việc;

b. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên B thực hiện trong phạm vi ủy quyền;

c. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên B đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền và trả thù lao cho bên B, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

2. Bên A có các quyền sau đây:

a. Yêu cầu bên B thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền;

b. Yêu cầu bên B giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, nếu không có thỏa thuận khác;

c. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên B vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận.

ĐIỀU 5: NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B

1.Bên B có các nghĩa vụ sau đây:

a. Thực hiện công việc ủy quyền theo ủy quyền và báo cho bên A về việc thực hiện công việc đó;

b. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;

c. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

d. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện ủy quyền;

đ. Giao lại cho bên A tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

e. Bồi thường thiệt hại do vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng;

2.Bên B có các quyền sau đây:

a. Yêu cầu bên A cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết nhằm thực hiện công việc ủy quyền;

b. Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.

ĐIỀU 6: VIỆC NỘP PHÍ, THÙ LAO CÔNG CHỨNG

Phí, thù lao công chứng Hợp đồng này do bên ......... chịu trách nhiệm nộp.

ĐIỀU 7: PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy quyền mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không thương lượng được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 8: CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

1. Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc

2. Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

3. Các cam đoan khác….

ĐIỀU 9: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

1. Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này.

2. Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của Người có thẩm quyền chứng thực.

3. Hợp đồng này có hiệu lực từ…………………………………………

BÊN A                                              BÊN B

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)       (ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

Ngày ….. tháng .…. năm .…..(bằng chữ.………………… ………………...) tại …………………………………

Tôi …………………..- Công chứng viên Văn phòng/Phòng công chứng…

CÔNG CHỨNG

- Hợp đồng ủy quyền này được giao kết giữa Bên A là .……….…… và Bên B là ……………..... ; các bên đã tự nguyện thỏa thuận giao kết Hợp đồng và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Hợp đồng;

- Tại thời điểm công chứng, các bên đã giao kết Hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật;

- Nội dung thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội;

- Các bên giao kết đã đọc Hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong Hợp đồng và đã ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của tôi;

- Các bên giao kết đã nghe Công chứng viên đọc Hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong Hợp đồng và đã ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của tôi;

- Hợp đồng này được lập thành .……….. bản chính (mỗi bản chính gồm …….... tờ, ...trang), cấp cho:

+ Bên A .….. bản chính;

+ Bên B .….. bản chính;

+ Lưu tại Phòng/Văn phòng công chứng…. một bản chính.

Số công chứng.……….. , quyển số .…. TP/CC- .….

CÔNG CHỨNG VIÊN

(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

Với trường hợp của bác, do ủy quyền liên quan đến bất động sản (nhà, đất) nên bắt buộc phải sử dụng mẫu hợp đồng ủy quyền. Bác có thể ra Văn phòng công chứng/Phòng công chứng và sử dụng mẫu nêu trên hoặc mẫu của chính tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện ủy quyền.

Xem tiếp: Được phép ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc không?

Trên đây là quy định về thủ tục ủy quyền. Nếu còn có vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi để được chúng tôi hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X