Vay ngân hàng mua nhà không còn xa lạ với người dân từ trước đến nay. Tuy nhiên, thủ tục vay ngân hàng mua nhà thì không phải ai cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục này.
Trả lời:
Điều kiện vay ngân hàng mua nhà là gì?
Việc cho vay được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Theo đó, vay ngân hàng mua nhà là việc người vay tìm đến một ngân hàng (tổ chức tín dụng) để vay vốn nhằm mục đích mua nhà trong một thời gian xác định theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người có nhu cầu vay vốn.
Cũng tại Điều 2 Thông tư này, việc vay vốn để mua nhà được xét là trường hợp vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của người đi vay và gia đình của họ (mua nhà để ở).
Về điều kiện cho vay, Điều 7 Thông tư 39 năm 2016 này nêu rõ gồm:
- Khách hàng có độ tuổi từ đủ 18 trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Mục đích vay vốn là mục đích hợp pháp (mua nhà để ở, để kinh doanh hợp pháp ...).
- Phương án sử dụng vốn có thể thực hiện được.
- Có khả năng tài chính để có thể trả nợ cho ngân hàng.
Đồng thời khi vay, người vay phải sử dụng đúng mục đích vay vốn, trả lãi, nợ gốc đúng hạn đã thỏa thuận. Như vậy, khi vay ngân hàng mua nhà thì người vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn trên.
Cần biết gì khi vay ngân hàng mua nhà để không bị thiệt? (Ảnh minh họa)
Thủ tục vay ngân hàng mua nhà thực hiện thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2016/-NHNN, các ngân hàng có quyền tự chủ trong việc cho vay cũng như tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình mà không cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp một cách trái luật. Về trình tự, thủ tục và hồ sơ vay ngân hàng mua nhà, người vay có thể thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
Hồ sơ gồm những gì?
Khi có nhu cầu, người vay phải gửi cho ngân hàng các tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện vay vốn và các tài liệu khác do ngân hàng hướng dẫn. Tuy nhiên, về cơ bản thì các ngân hàng đều yêu cầu các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ nhân thân: Một trong các giấy tờ là Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu là vợ chồng vay) hoặc xác định tình trạng hôn nhân (nếu đang độc thân hoặc đã ly hôn mà chưa kết hôn với ai), quyết định hoặc bản án ly hôn (nếu đã ly hôn) …
- Giấy tờ chứng minh tài chính của người vay: Để được vay vốn, người vay phải chứng minh mình có đủ tài chính để trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Có thể kể đến một trong các giấy tờ chứng minh tài chính gồm: Sổ tiết kiệm, giấy xác nhận lương…
- Giấy tờ về mục đích sử dụng vốn: Trong trường hợp vay vốn để mua nhà thì người vay có thể xuất trình hợp đồng mua bán nhà, đất đã công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đặt cọc…
- Phương án sử dụng vốn vay: Để được ngân hàng duyệt hồ sơ vay mua nhà, người vay thường phải kê khai phương án sử dụng vốn cụ thể, chi tiết, khả thi làm căn cứ để ngân hàng xem xét cho vay.
- Giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo: Hiện các ngân hàng có hình thức vay thế chấp và vay tín chấp.
Tuy nhiên, vì nhà là một trong các tài sản khá lớn nên thông thường các ngân hàng đều yêu cầu khách hàng phải thế chấp bằng một tài sản khác có giá trị tương đương hoặc lớn hơn giá trị khoản vay hoặc thế chấp bằng chính căn nhà dự định mua.
Nên vay mua nhà tại ngân hàng nào?
Việc chọn ngân hàng nào để vay vốn hoàn toàn dựa vào ý chí của người vay bởi mỗi ngân hàng có mức lãi suất, chế độ ưu đãi khác nhau. Do đó, người vay trước khi quyết định thì nên tìm hiểu về các ngân hàng có lãi suất thấp, uy tín… trên thị trường.
Mức cho vay và lãi suất vay mua nhà thế nào?
Về mức cho vay, ngân hàng sẽ căn cứ vào thỏa thuận, mục đích, phương án sử dụng và khả năng trả nợ… của khách hàng để xác định mức giới hạn cho vay tối đa. Khi vay để mua nhà, trên thị trường hiện nay, các ngân hàng thông thường sẽ cho vay ở mức từ 50% - 70% tùy vào các khách hàng khác nhau.
Về mức lãi suất cho vay, ngân hàng và khách hàng được tự thỏa thuận căn cứ vào thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng trừ một số trường hợp vay nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tuy nhiên, thường các ngân hàng sẽ không có mức lãi suất quá chênh lệch nhau.
Đồng thời, ngoài mức lãi suất và hạn mức cho vay, người đi vay còn cần phải chú ý đến hình thức trả nợ, thời hạn vay nợ, phương pháp tính lãi cũng như hình thức trả lãi so với dư nợ còn lại và thanh toán trước hạn, biện pháp xử lý nợ nếu đến hạn mà khách hàng không trả được nợ.
Đây có thể coi là những nội dung cần chú ý nhất. Các thông tin nêu trên sẽ luôn được công khai giữa khách hàng và ngân hàng và chỉ khi hai bên đạt được thỏa thuận thì việc vay vốn mua nhà mới có thể được tiến hành.
Thời gian giải ngân hồ sơ là bao lâu?
Về thời gian giải ngân tiền vay, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể mà tùy vào thời gian giải quyết hồ sơ của từng ngân hàng.
Thông thường, các bước để được giải ngân tiền vay mua nhà sẽ gồm: Người vay chuẩn bị, nộp hồ sơ cho ngân hàng để thẩm định điều kiện cho vay; phê duyệt khoản vay, giải ngân, kiểm tra mục đích sử dụng khoản vay sau giải ngân.
Khi khoản vay được phê duyệt, người vay và ngân hàng sẽ thực hiện ký kết các thỏa thuận vay vốn gồm: Hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng, cam kết trả nợ…
Nếu vay bằng hình thức thế chấp thì sau khi đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất hoặc các loại tài sản khác dùng để thế chấp, ngân hàng sẽ thực hiện giải ngân khoản vay vào tài khoản của khách hàng hoặc bằng tiền mặt.
Trên đây là một số quy định về thủ tục vay ngân hàng mua nhà. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được chuyên gia hỗ trợ, giải đáp.