hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 21/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thử việc có hợp đồng không? Rủi ro gì khi chỉ giao kết miệng?

Thông thường, người lao động khi thử việc vẫn ký hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lại chỉ thỏa thuận miệng. Vậy, có bắt buộc thử việc có hợp đồng không?

Mục lục bài viết
  • Người lao động thử việc có hợp đồng không?
  • Hình thức của hợp đồng thử việc thế nào?
  • Những rủi ro khi thỏa thuận thử việc bằng miệng
Câu hỏi: Cho tôi hỏi, người lao động thử việc có bắt buộc phải có hợp đồng không? Các hình thức của hợp đồng thử việc thế nào? Nếu chỉ giao kết thử việc bằng miệng thì có sao không? Mong HieuLuat tư vấn giúp tôi!

Chào bạn, cảm ơn câu hỏi bạn đã gửi cho chúng tôi, về vướng mắc của bạn HieuLuat xin được tư vấn như sau:

Người lao động thử việc có hợp đồng không?

Theo quy định thử việc tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận:

- Nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động

- Hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và các nội dung theo quy định (thông tin của người sử dụng lao động, người lao động, thông tin về thời gian làm việc, nghỉ ngơi…)

Người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng sẽ không áp dụng thử việc.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung thử việc có thể ghi nhận trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc nếu các bên khi có thỏa thuận về việc làm thử.

thu viec co hop dong khong

Hình thức của hợp đồng thử việc thế nào?

Bộ luật Lao động 2019 không có quy định về hình thức của hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng lao độngtại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Có thể thấy, hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng theo quy định tại Điều 24 Bộ luật lao động này người lao động không phải thử việc trong trường hợp này.

- Nếu lựa chọn thỏa thuận thử việc tại hợp đồng lao động, hai bên phải tiến hành giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử.

- Nếu giao kết hợp đồng thử việc, hai bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.

Như vậy, khi thử việc, giữa người sử dụng lao động và người lao động không bắt buộc phải ký thành hợp đồng.

Những rủi ro khi thỏa thuận thử việc bằng miệng

Hợp đồng thử việc là căn cứ để bảo vệ quyền lợi đối với hai bên, đặc biệt là người lao động. Do đó nếu thỏa thuận thử việc bằng miệng, người lao động có thể bị ảnh hưởng những quyền lợi như:

- Về thời gian thử việc không được đảm bảo như theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động, có thể bị kéo dài, gia hạn mà không căn cứ để xử phạt người sử dụng lao động.

- Về lương thử việc có thể thấp hơn mức 85% mức lương chính thức (theo Điều 26 Bộ luật Lao động)

- Về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…không được đảm bảo

Đặc biệt, khi không có hợp đồng thử việc sẽ không có căn cứ pháp lý để giải quyết quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp. Và đây là một trong những thiệt thòi lớn nhất đối với người lao động.

Trên đây là giải đáp cho vấn đề thử việc có hợp đồng không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X