hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 18/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thừa kế đất có nguồn gốc ông bà: Ai được nhận? Nhận thế nào?

Thừa kế đất có nguồn gốc ông bà phải đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục được hưởng ra sao? Có được lập di chúc thừa kế đất đai cho cháu không? Lập di chúc ở đâu? Những vướng mắc pháp lý xoay quanh vấn đề đất thừa kế do ông bà để lại như bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • 1. Luật thừa kế đất đai của ông bà là luật nào?
  • 1.1. Địa điểm lập di chúc thừa kế đất cho cháu là ở đâu?
  • 1.2 Cháu có được nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà theo pháp luật không?
  • 2. Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà ra sao?
  • 2.1 Ai có quyền thừa kế đất đai ông bà để lại?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có một vài vướng mắc liên quan đến tài sản thừa kế là đất đai do ông bà để lại như sau:

Một là, ông bà tôi có thể lập di chúc để lại tài sản thừa kế là đất đai cho các cháu được không? Nếu được thì việc lập di chúc này được thực hiện ở đâu?

Hai là, những người nào có quyền nhận tài sản thừa kế do ông bà tôi để lại? Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà tự khai hoang thế nào?

Nếu đã được cấp sổ và chưa được cấp sổ thì có khác nhau không?

Chào bạn, với những vướng mắc về việc thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Luật thừa kế đất đai của ông bà là luật nào?

Thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại là việc lập di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật tài sản là đất đai do ông bà là chủ sử dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Pháp luật quy định về việc lập di chúc, thừa kế theo pháp luật đối với đất có nguồn gốc thuộc quyền sử dụng, sở hữu của ông bà gồm:

  • Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

  • Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

  • Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

1.1. Địa điểm lập di chúc thừa kế đất cho cháu là ở đâu?

Người lập di chúc có quyền lựa chọn hình thức, địa điểm lập di chúc và nội dung định đoạt về tài sản của mình trong di chúc.

Căn cứ quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp không thể lập được thành văn bản thì người có tài sản được quyền lập di chúc miệng.

Địa điểm lập di chúc phụ thuộc vào hình thức của di chúc, điều kiện/yêu cầu của người lập di chúc. Cụ thể như sau:

Hình thức của di chúc

Địa điểm lập di chúc

Căn cứ pháp lý

Lập di chúc có công chứng

Tại trụ sở văn phòng công chứng hoặc tại nơi khác nếu người yêu cầu công chứng vì lý do hợp pháp không thể tới văn phòng công chứng

Luật Công chứng 2014, Bộ luật Dân sự 2015

Lập di chúc có chứng thực

Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã

Nghị định 23/2015/NĐ-CP

Lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Do người lập di chúc lựa chọn

Bộ luật Dân sự 2015

Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Di chúc miệng

Tại nơi người lập di chúc miệng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản

Bộ luật Dân sự 2015

Di chúc của quân nhân tại ngũ mà họ không thể yêu cầu công chứng, chứng thực

Thường là tại đơn vị của quân nhân (di chúc này phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên)

Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015

Di chúc của người đang điều trị ở bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, hoặc cơ sở điều dưỡng khác

Tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở điều dưỡng khác (di chúc này phải có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó)

Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo

Tại nơi thực hiện công việc (di chúc này phải được người phụ trách đơn vị xác nhận)

Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài

Tại cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó (đây là di chúc được chứng nhận bởi cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam)

Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù hoặc người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh

Tại nơi bị giam giữ, thi hành án hoặc nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh (di chúc này phải có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó)

Như vậy, ông bà của bạn có quyền lựa chọn nơi lập di chúc tương ứng với hình thức của di chúc là bằng văn bản hoặc lập di chúc miệng.

Nói cách khác, việc lập di chúc thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại cũng có thể không cần phải chứng thực, công chứng nếu thuộc trường hợp như quy định tại Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015 như chúng tôi đã nêu trên.

thua ke dat co nguon goc ong ba


1.2 Cháu có được nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà theo pháp luật không?

Việc nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại hoặc của ông bà được thực hiện thông qua di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Do vậy, tùy thuộc từng trường hợp mà cháu có thể được nhận thừa kế hoặc không. Cụ thể như sau:

Một là, đối với trường hợp nhận thừa kế theo di chúc

Cháu có thể được hưởng thừa kế theo di chúc nếu thỏa mãn điều kiện:

  • Được có tên trong di chúc nhận tài sản thừa kế từ ông bà;

  • Di chúc là hợp pháp;

  • Là người đã sinh ra và còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bà mất) nhưng phải thành thai tại thời điểm lập di chúc;

  • Tài sản được định đoạt trong di chúc phải tồn tại thời điểm phân chia tài sản thừa kế;

  • Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, sang tên sổ đỏ theo quy định pháp luật;

Lưu ý: Người cháu được hưởng di sản thừa kế nhưng từ chối nhận tài sản này thì cũng không được nhận tài sản thừa kế là đất đai theo di chúc.

Hai là, đối với trường hợp nhận thừa kế theo pháp luật

Nhận thừa kế theo pháp luật là nhận thừa kế theo hàng thừa kế.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cháu thuộc hàng thừa kế thứ 2 của người để lại di sản là ông bà.

Do đó, để cháu được thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ 1 không còn ai (do đã chết hết) hoặc toàn bộ những người này đều đã từ chối nhận di sản thừa kế;

  • Cháu nhận thừa kế là phần di sản thừa kế mà bố/hoặc mẹ của họ được hưởng nhưng tại thời điểm phân chia di sản thừa kế, bố/hoặc mẹ của người cháu đã chết;

  • Cháu được hưởng phần tài sản thừa kế từ ông bà trong trường hợp thừa kế thế vị (bố/hoặc mẹ của người cháu chết trước hoặc cùng thời điểm với ông bà)

  • Đồng thời, cháu muốn nhận thừa kế theo pháp luật phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:

  • Phải còn sống tại thời điểm phân chia di sản thừa kế;

  • Không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, ví dụ như bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ ông bà (người để lại di sản),...;

  • Không từ chối nhận di sản thừa kế;

  • Không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản thừa kế;

Kết luận: Cháu có thể được nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại thông qua di chúc hoặc theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phải đảm bảo những điều kiện nhất định như chúng tôi đã trình bày ở trên.

thua ke dat co nguon goc ong ba


2. Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà ra sao?

Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại hoặc ông bà được Nhà nước cấp sổ đỏ được tiến hành theo trình tự luật định.

Do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ nên có thể phát sinh trường hợp thửa đất mà do ông bà để lại có thể đã được cấp sổ đỏ hoặc chưa được cấp đỏ.

Thủ tục nhận tài sản thừa kế khi chưa có sổ đỏ hoặc đã có sổ đỏ sẽ có sự khác biệt.

2.1 Ai có quyền thừa kế đất đai ông bà để lại?

Như đã phân tích, giải đáp ở trên, người có quyền nhận tài sản do ông bà để lại là người được nhận tài sản theo di chúc hoặc người được nhận tài sản theo pháp luật.

Cụ thể:

Người được nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại thông qua di chúc

Người được thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại khi chia thừa kế theo pháp luật

  • Là người được ông bà để lại tài sản theo di chúc (người này có thể là bất kỳ ai như con, cháu, chắt, …hoặc một người không có quan hệ huyết thống, cũng có thể là cơ quan, tổ chức);

  • Hoặc là người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Những người này không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản thừa kế, không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế;

  • Là người thuộc hàng thừa kế theo quy định pháp luật;

  • Hoặc là người được hưởng thừa kế thế vị;

  • Hoặc là người được hưởng phần tài sản thừa kế mà cha hoặc mẹ của họ được hưởng nhưng họ đã mất tại thời điểm chia thừa kế;

  • Những người này không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản;

Lưu ý: Điều kiện để những người này được hưởng di sản thừa kế do ông bà để lại như chúng tôi đã trình bày tại phần 1.2 nêu trên.

Kết luận: Người được nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại thông qua di chúc hoặc nhận thừa kế theo pháp luật.

Người nhận di chúc này có thể là cá nhân (như con, cháu,...) hoặc cũng có thể là tổ chức, cơ quan. Ngược lại, người nhận tài sản thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải thuộc hàng thừa kế theo quy định pháp luật.

thua ke dat co nguon goc ong ba


2.2 Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà thế nào?

Các bước nhận tài sản thừa kế là nhà đất có nguồn gốc ông bà để lại là khác nhau phụ thuộc vào đất thừa kế đã được cấp sổ đỏ hay chưa được cấp sổ đỏ.

Cụ thể như sau:

Nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại nhưng chưa được cấp sổ đỏ

Nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại và đã được cấp sổ đỏ

Bước 1: Họp mặt gia đình, thỏa thuận cử đại diện thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ

Bước đầu tiên để được nhận tài sản thừa kế là có buổi họp gia đình với thành phần tham dự là những người được hưởng di sản thừa kế.

Nội dung của buổi họp gia đình gồm:

  • Thỏa thuận cử người đại diện thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất là di sản và người đại diện đứng tên trên sổ đỏ/giấy chứng nhận;

  • Người được cử làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu và đứng tên trên sổ đỏ phải là một trong những người được nhận di sản theo quy định pháp luật;

  • Thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế (nếu là chia thừa kế theo pháp luật hoặc phần tài sản được chia thừa kế theo pháp luật);

  • Các vấn đề khác liên quan đến chi phí cấp sổ đỏ, sang tên nhận thừa kế;

Lưu ý: 

  • Thỏa thuận cử người đại diện thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ và đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật;

  • Nội dung được thỏa thuận trong buổi họp mặt gia đình nên được lập thành văn bản và có chữ ký của toàn bộ những người được hưởng di sản thừa kế từ ông bà để lại;

Bước 2: Thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu đối với phần diện tích đất là di sản thừa kế

  • Người được đại diện thực hiện thủ tục chuẩn bị hồ sơ, kê khai, nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Người có yêu cầu cấp sổ đỏ có nghĩa vụ phải đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định pháp luật;

Bước 3: Lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế

  • Sau khi đã nhận sổ đỏ, những người được nhận di sản thừa kế lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế có công chứng hoặc chứng thực;

  • Công chứng văn bản nhận thừa kế được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng có trụ sở thuộc cấp tỉnh nơi có đất;

  • Chứng thực văn bản nhận thừa kế được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

Lưu ý: Nếu những người nhận di sản thừa kế có nhu cầu tách riêng diện tích nhận thừa kế thành những thửa riêng biệt thì còn phải thực hiện thủ tục tách thửa tại bước nhận di sản thừa kế này.

Bước 4: Thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ

  • Sau khi đã có văn bản nhận thừa kế có công chứng, chứng thực, người nhận di sản thừa kế thực hiện đăng ký sang tên sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

  • Người nhận di sản thừa kế có nghĩa vụ đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí để thực hiện thủ tục nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật như lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ,...

Bước 5: Nhận kết quả

Người được nhận di sản thừa kế nhận kết quả là sổ đỏ đã được cấp mới đối với phần diện tích được hưởng hoặc đã được đăng ký biến động theo quy định.

Bước 1: Lập văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật

  • Do đất đai thừa kế đã được cấp sổ đỏ, do đó, sau khi họp mặt gia đình để thỏa thuận về việc phân chia di sản, người được nhận di sản thừa kế lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản có công chứng chứng thực.

  • Thủ tục, trình tự công chứng, chứng thực văn bản nhận di sản này được thực hiện giống như trường hợp chưa có sổ đỏ;

  • Người nhận di sản nếu có nhu cầu tách thửa thì cũng cần đề nghị làm thủ tục tách thửa tại cơ quan có thẩm quyền;

Bước 2: Sang tên sổ đỏ thừa kế/đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Sau khi đã ký kết văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế có công chứng, chứng thực, những người được nhận tài sản thừa kế tiến hành đăng ký biến động/đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Bước 3: Nhận kết quả

Người được hưởng thừa kế nhận sổ đỏ đã được đăng ký biến động/hoặc đã được cấp mới sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Kết luận: Thủ tục nhận thừa kế đất có nguồn gốc ông bà để lại trong trường hợp đất đã được cấp sổ hoặc chưa được cấp sổ được tiến hành theo các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về thừa kế đất có nguồn gốc ông bà, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X