Nhận thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ được không? Có lập di chúc đối với đất còn nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước không? Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc những vấn đề trên trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi được Nhà nước giao cho một suất đất tái định cư (khi bị thu hồi đất ở), đã được cấp sổ hồng.
Nếu hiện tại, tôi muốn lập di chúc để lại tài sản này cho con tôi thì có được không Luật sư?
Thủ tục sang tên sổ đỏ theo di chúc của tôi được thực hiện ra sao thưa Luật sư?
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề có được thừa kế đất còn nợ tiền Nhà nước (nghĩa vụ tài chính) không, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Được lập di chúc thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất không?
Trước hết, việc ghi nợ nghĩa vụ tài chính (ví dụ ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ…) là một trong những chính sách của Nhà nước về đất đai.
Người ghi nợ nghĩa vụ tài chính vẫn được Nhà nước cấp giấy chứng nhận/sổ hồng để công nhận quyền như các trường hợp không ghi nợ theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
Luật Đất đai 2013 quy định về một trong những điều kiện để thực hiện quyền thừa kế của người sử dụng đất tại Điều 188 là thửa đất phải được cấp sổ đỏ/sổ hồng/giấy chứng nhận.
Mà theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, lập di chúc chính là một trong số những quyền thừa kế của người có tài sản.
Từ các căn cứ trên, suy ra, lập di chúc thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ .. (gọi chung là nợ nghĩa vụ tài chính) là quyền của người có tài sản.
Quyền này được thực hiện khi người sử dụng đất đã được cấp sổ hồng hợp pháp theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Bạn có thể lựa chọn các hình thức của di chúc là lập di chúc miệng hoặc lập di chúc bằng văn bản khi thỏa mãn các điều kiện tương ứng của pháp luật.
Kết luận: Pháp luật cho phép người sử dụng đất được quyền lập di chúc thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất, nợ lệ phí trước bạ…
Tuy nhiên, việc lập di chúc này chỉ được thực hiện sau khi người có đất, tài sản trên đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận/sổ hồng.
Nhận thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất thế nào?
Thời điểm nhận thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất, nợ lệ phí trước bạ với Nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền
…
Theo đó, điều kiện để những đồng thừa kế được nhận thừa kế tài sản đất đai là đất đã được cấp sổ hồng hoặc đủ điều kiện cấp sổ hồng theo quy định pháp luật.
Trước khi nhận thừa kế đất đai theo di chúc hoặc theo pháp luật, những người đồng thừa kế có nghĩa vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Cụ thể, các bước nhận thừa kế đất đai còn ghi nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như sau:
Bước 1: Lập văn bản thỏa thuận cử người đại diện thanh toán nghĩa vụ tài chính
Đây không là thủ tục pháp luật buộc các bên phải thực hiện nhưng là bước giảm thiểu tối đa các văn bản, hồ sơ, giấy tờ để thanh toán nghĩa vụ tài chính đang ghi nợ với Nhà nước.
Theo đó, văn bản thỏa thuận cử người đại diện thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính cần được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Bước 2: Ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản/hoặc khai nhận di sản
Sau khi đã thanh toán nghĩa vụ tài chính, những người đồng thừa kế yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản/khai nhận di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, pháp luật cho phép những đồng sở hữu được quyền tặng cho nhau phần tài sản mà mình được hưởng.
Lưu ý về hồ sơ các đồng sở hữu cần chuẩn bị tại bước này gồm:
Giấy tờ nhân thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của các đồng thừa kế;
Sổ hồng đã được xác nhận thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tài chính;
Giấy chứng tử của người để lại tài sản;
Giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng minh được nhận tài sản thừa kế (nếu là chia theo pháp luật);
Di chúc (nếu chia thừa kế theo di chúc);
Hồ sơ về tách thửa (nếu có);
Các giấy tờ hợp pháp khác theo đề nghị của công chứng viên, người có thẩm quyền ký chứng thực;
Bước 3: Thực hiện đăng ký biến động/sang tên đất đai nhận thừa kế
Khi đã có kết quả của bước 2, những đồng thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký sang tên sổ hồng/biến động về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Thông thường, việc đăng ký biến động được giải quyết tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (nếu người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư).
Hồ sơ cần chuẩn bị tại bước này gồm:
Đơn đăng ký biến động đất đai, mẫu sử dụng là 09/ĐK;
Toàn bộ giấy tờ đã có tại bước 2;
Văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật (nếu có);
Như vậy, việc nhận thừa kế đất còn nợ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ được thực hiện theo các bước như chúng tôi đã nêu ở trên.
Trên đây là giải đáp về thừa kế đất còn nợ tiền, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.