hieuluat
Chia sẻ email

Thừa kế đất đai theo luật dân sự: Điều kiện, cách chia thế nào?

Thừa kế đất đai theo luật dân sự được hiểu thế nào? Đất nào không được chia thừa kế? Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là bao lâu? HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc những vướng mắc nêu trên trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • 1. Loại đất nào không được thừa kế trong đất đai?
  • 2. Có mấy cách chia thừa kế đất đai theo luật dân sự?
  • 3. Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai mới nhất là bao lâu?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có một số vấn đề liên quan đến thừa kế đất đai mong được chỉ dẫn, giải đáp như sau:

Một là, pháp luật đất đai quy định những loại đất nào không được phép chia thừa kế?

Hai là, có mấy cách để phân chia tài sản thừa kế? Những người nào được chia thừa kế?

Ba là, trước khi ông bà nội tôi mất có để lại cho các anh chị em của bố tôi mảnh đất ở rộng khoảng 300m2, trên đất đã có nhà ở.

Từ khi ba mẹ mất tới nay, gia đình tôi không có yêu cầu gì về việc chia tài sản thừa kế, các anh chị em của bố tôi chỉ thỏa thuận để bác trai cả ở trên đất ba mẹ để lại, sử dụng căn nhà đó để ở và cũng là nơi để thờ cúng tổ tiên, bố mẹ.

Nay, do làm ăn thua lỗ nên cô út nhà tôi về đòi chia tài sản thừa kế, vậy Luật sư cho tôi hỏi, thời hiệu để yêu cầu chia thừa kế đất đai là bao lâu?

Nếu như bố mẹ tôi mất năm 1991 thì hiện tại cô út nhà tôi có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia tài sản thừa kế là đất đai không?

Chào bạn, với những câu hỏi liên quan đến vấn đề chia thừa kế đất đai theo luật dân sự của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Loại đất nào không được thừa kế trong đất đai?

Căn cứ quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, điều kiện chung để thừa kế đất đai gồm:

  • Đất đã được cấp sổ đỏ (riêng trường hợp được nhận tài sản thừa kế thì đất chỉ cần đáp ứng đã có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ);

  • Thửa đất không thuộc trường hợp đang có tranh chấp (đang bị khiếu nại, khiếu kiện hoặc đang được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý, giải quyết về việc tranh chấp);

  • Đất còn thời hạn sử dụng/hoặc tại thời điểm thừa kế, đất vẫn trong thời hạn sử dụng;

  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành theo bản án/quyết định của tòa án hoặc quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án;

Theo đó, đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ… đều là những loại đất được phép thừa kế, miễn sao đảm bảo các điều kiện như chúng tôi đã nêu.

Điều này cũng có nghĩa rằng, một số loại đất được Nhà nước giao để quản lý theo quy định tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hoặc đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích tại xã phường thị trấn theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013 không là trường hợp được thừa kế.

Ví dụ, một số loại đất như:

  • Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích tại xã phường thị trấn;

  • Đất được khoán trong các nông trường, lâm trường quốc doanh;

  • Đất được Nhà nước giao để xây dựng công trình công cộng như giao thông, đê điều, làm nghĩa trang, nghĩa địa…;

Kết luận: Để được thừa kế đất đai theo luật dân sự thì đất đai phải đảm bảo thỏa mãn các điều kiện theo Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, điều kiện để đất được thừa kế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thừa kế đất theo Bộ luật Dân sự 2015. Những loại đất, thửa đất không thỏa mãn quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 như chúng tôi đã nêu trên là những loại đất không được thừa kế.

thua ke dat dai theo luat dan su


2. Có mấy cách chia thừa kế đất đai theo luật dân sự?

Từ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, suy ra, thừa kế đất đai theo luật dân sự gồm 2 hình thức: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Tùy thuộc từng hình thức chia thừa kế mà cách thức phân chia và các điều kiện thực hiện có sự khác biệt. 

Cụ thể, một số lưu ý về cách phân chia, điều kiện chia thừa kế đất đai theo luật dân sự như sau:

 

Chia thừa kế theo pháp luật

Chia thừa kế theo di chúc

Điều kiện phân chia

  • Thuộc hàng thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa thế theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015;

  • Trong thời hiệu chia di sản thừa kế;

  • Không thuộc trường hợp di sản không có người nhận thừa kế;

  • Tài sản còn tồn tại vào thời điểm chia thừa kế;

  • Di chúc hợp pháp và có hiệu lực;

  • Tài sản theo di chúc phải tồn tại tại thời điểm chia thừa kế;

  • Người nhận di sản thừa kế theo di chúc không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản;

  • Phần tài sản thừa kế không thuộc trường hợp không được phân chia;

Cách thức phân chia

  • Chia theo hàng thừa kế, chỉ chia cho hàng thừa kế sau nếu hàng thừa kế trước không còn ai hoặc đã từ chối nhận di sản hoặc không được quyền nhận di sản;

  • Những người cùng hàng thừa kế được nhận phần quyền/phần sở hữu tài sản ngang nhau nếu không có thỏa thuận khác;

  • Thực hiện đăng ký quyền sở hữu/đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền;

  • Tiến hành thủ tục nhận di sản thừa kế theo trình tự luật định;

  • Khai nhận thừa kế theo di chúc: Phần tài sản mà người thừa kế được nhận được phân định theo di chúc;

  • Đăng ký biến động/sang tên đất đai theo trình tự, thủ tục luật định;

  • Lưu ý về việc phân chia di sản thừa kế cho những người được hưởng di sản không phụ thuộc nội dung di chúc;

Tóm gọn lại, có 2 hình thức chia thừa kế đất đai theo luật dân sự là chia thừa kế theo di chúc và chia thừa kế theo pháp luật.

Tùy thuộc từng hình thức chia thừa kế mà điều kiện, cách thức nhận tài sản thừa kế cũng có sự phân biệt.

 

3. Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai mới nhất là bao lâu?

Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai theo luật dân sự/chia di sản thừa kế là đất đai được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Theo đó, thời hiệu để cô út của bạn yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế đối với bất động sản (đất đai, nhà ở) là 30 năm, kể từ thời điểm ông bà nội bạn mất.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, ông bà bạn mất năm 1991, tính đến nay là 31 năm, đã quá thời hạn yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Do đó, cô út nhà bạn không có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế là đất đai, nhà ở của ông bà bạn để lại. 

Lúc này, căn cứ quy định đã nêu trên, phần tài sản này thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản (tức bác trai cả của bạn).

Tuy nhiên, căn cứ khoản 2.4 Điều 2, Mục I của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP:

....

2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

Theo thông tin bạn cung cấp và quy định trên, những người đồng thừa kế đã cùng thỏa thuận không chia di sản thừa kế, thừa nhận rằng đây là tài sản chung và để bác trai cả của bạn quản lý phần di sản này. Đây là căn cứ để cô út của bạn có quyền được yêu cầu tòa án chia tài sản chung.

Kết luận: Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đất đai theo luật dân sự là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (người để lại di sản thừa kế chết).

Quá thời hạn này, tài sản thừa kế thuộc về người được hưởng thừa kế là người đang quản lý di sản. Tuy nhiên, nếu những đồng thừa kế cùng xác nhận về tài sản thừa kế là chưa chia, hàng thừa kế thì có quyền yêu cầu chia tài sản chung sau khi hết thời hiệu 30 năm chia tài sản thừa kế.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về thừa kế đất đai theo luật dân sự, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X