Lập di chúc là quyền của người có tài sản. Vậy đối với trường hợp tài sản là đất đứng tên hộ gia đình thì việc lập di chúc để lại thừa kế của thành viên trong hộ gia đình có được phép thực hiện không? Và con dâu thì có được chia thừa kế đất đứng tên hộ gia đình hay không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có tài sản là quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với hộ gia đình của tôi. Hiện nay, nhân lúc tinh thần, sức khỏe và lí trí của tôi vẫn minh mẫn, sáng suốt, tôi muốn lập di chúc để lại tài sản này của mình cho các con của tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tôi có thể lập di chúc với tài sản được mô tả như trên bằng cách nào?
Ngoài ra, tôi muốn Luật sư giải đáp cho tôi, cô con dâu của tôi có được chia thừa kế là đất đai cấp cho hộ gia đình khi tôi qua đời hay không?
Chào bạn, liên quan đến việc lập di chúc đối với tài sản là đất đứng tên hộ gia đình mà bạn đang cần hỗ trợ, chúng tôi xin được giải đáp cụ thể như sau:
Có được lập di chúc đất đứng tên hộ gia đình không?
Trước tiên, Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc lập di chúc để chuyển giao quyền sở hữu tài sản là quyền của người có tài sản. Việc lập di sản có thể được thực hiện thông qua hình thức bằng miệng, bằng văn bản. Người có tài sản được quyền định đoạt người được nhận tài sản, các nghĩa vụ kèm theo tài sản thừa kế…
Ngoài ra, đất cấp cho hộ gia đình mà bạn là thành viên bản chất là việc chung quyền sử dụng đất của các thành viên hộ gia đình mà có quan hệ huyết thống, hôn nhân, hoặc nuôi dưỡng theo pháp luật hôn nhân gia đình tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất (khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013).
=> Từ các phân tích, căn cứ trên và thông tin bạn cung cấp, suy ra, bạn có chung quyền sử dụng đất với các thành viên khác trong hộ gia đình của mình và do vậy, bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần quyền sử dụng đất của mình trong khối tài sản chung này.
Bạn có thể lựa chọn các hình thức của di chúc là di chúc miệng, di chúc bằng văn bản (di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc có công chứng/chứng thực).
Xem thêm: Cách lập di chúc miệng thế nào?
Xem thêm: Lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng thế nào?
Xem thêm: Thủ tục công chứng di chúc thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 210, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan, có thể phát sinh các trường hợp sau đây:
Nếu thửa đất đứng tên hộ gia đình của bạn có thể tách thửa:
Trong trường hợp này bạn có thể thực hiện tách thửa đất là phần quyền của bạn trong khối tài sản chung theo quy định pháp luật sau đó lập di chúc đối với phần diện tích đất đã được tách riêng. Đây là cách để bạn có thể định đoạt quyền sử dụng đất của mình thông qua di chúc được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Xem thêm: Thủ tục tách thửa đất thế nào?
Nếu thửa đất đứng tên hộ gia đình của bạn không thể tách thửa:
Đây là trường hợp mà không thể phân định được rõ ràng quyền sử dụng đất của bạn trong khối tài sản chung của hộ gia đình. Và khi bạn không thể thực hiện tách thửa đất đứng tên hộ gia đình thì bạn vẫn lập di chúc để lại tài sản là phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung theo thủ tục thông thường như lựa chọn hình thức của di chúc dự định lập và phải đảm bảo các điều kiện tương ứng theo quy định pháp luật.
Bạn nên lưu ý việc mô tả tài sản của mình trong di chúc cần phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết để có thể xác định chính xác phần quyền của bạn trong khối tài sản chung khi chia thừa kế. Bạn nên lựa chọn hình thức lập di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực trong trường hợp này bởi bạn sẽ được hỗ trợ bởi công chứng viên, người có thẩm quyền ký chứng thực di chúc - là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý dân sự về di chúc.
Như vậy, bạn là một trong những thành viên của hộ gia đình được Nhà nước công nhận/giao đất/cho thuê đất, do đó, bạn có quyền định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của mình trong khối tài sản chung thông qua việc lập di chúc. Bạn có thể lựa chọn cách thức lập di chúc phù hợp với nguyện vọng của mình.
Sổ đỏ hộ gia đình, con dâu có được chia thừa kế không?
Một là, như đã phân tích, căn cứ Điều 609, Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản mình được chuyển giao cho ai sau khi mình qua đời thông qua di chúc.
=> Vậy nên, nếu bạn lập di chúc để lại tài sản thừa kế cho con dâu của mình (một phần hoặc toàn bộ) thì con dâu của bạn là người được nhận phần tài sản này theo quy định pháp luật.
Hai là, trong trường hợp bạn không lập di chúc để ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác thì tài sản của bạn sẽ được chia theo pháp luật sau khi bạn mất. Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về những người thừa kế theo pháp luật:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
…
=> Con dâu của bạn không là một trong những người thuộc các hàng thừa kế theo pháp luật, nên không thể nhận tài sản thừa kế từ bạn trong trường hợp bạn mất không có di chúc.
Kết luận: Con dâu (vợ của con trai) không phải là người thuộc các hàng thừa kế theo pháp luật của bố chồng. Do đó, nếu chỉ khi bạn lập di chúc để lại tài sản cho con dâu của mình thì họ mới được nhận tài sản thừa kế từ bạn theo quy định pháp luật.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về thừa kế đất đứng tên hộ gia đình, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.