Nhận thừa kế đất ủy quyền được hiểu như thế nào? Được phép ủy quyền để lập di chúc thừa kế đất đai hoặc nhận thừa kế bằng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không? Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc những vướng mắc trên.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vướng mắc liên quan đến vấn đề thừa kế đất ủy quyền mong được giải đáp như sau:
Tôi muốn hỏi, liệu rằng giấy ủy quyền này có được coi là di chúc của ông nội tôi và bố tôi căn cứ vào đó được cấp sổ đỏ đứng tên riêng của bố tôi không?
Vấn đề 2: Hiện nay, pháp luật có cho phép được ủy quyền cho người khác lập di chúc không?
Vì bố tôi mắt đã kém nên không thể tự mình viết di chúc được, muốn ủy quyền cho người khác lập hộ di chúc.
Vậy người chú này của tôi có thể ủy quyền cho anh chị em khác trong gia đình lập, thỏa thuận, ký kết trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?
Chào bạn, liên quan đến vấn đề pháp lý thừa kế đất ủy quyền mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
1. Pháp luật cho phép nhận thừa kế đất ủy quyền không?
Thừa kế đất ủy quyền theo thông tin bạn cung cấp có thể là việc xác định văn bản ủy quyền có phải là di chúc hay không và thực hiện nhận thừa kế theo văn bản ủy quyền đó là đúng hay sai.
Do thông tin, tài liệu nhận được từ bạn là chưa đầy đủ nên căn cứ quy định pháp luật hiện hành và thông tin bạn cung cấp, chúng tôi có một số giải đáp chung nhất cho trường hợp của bạn như sau:
Một là, giấy ủy quyền sử dụng đất có phải là di chúc không
Về nguyên tắc, di chúc thể hiện nguyện vọng, mong muốn và việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của người lập di chúc trước khi chết.
Về hình thức, di chúc phải thỏa mãn các điều kiện về hình thức như phải có ngày tháng năm, mô tả đầy đủ về tài sản, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản, tên người được nhận di sản, các điều kiện khác…
Về nội dung, di chúc phải thể hiện rõ nội dung định đoạt phần tài sản, tức chuyển toàn bộ quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền chiếm hữu đối với tài sản đó cho người được nhận di sản thừa kế.
Trong nội dung giấy ủy quyền mà bạn cung cấp, chỉ có thông tin về việc ông nội bạn giao quyền sử dụng cho bố bạn đối với đất, nhà ở trên đất mà chưa có thông tin về việc có hay không chuyển giao quyền định đoạt, quyền chiếm hữu đối với quyền sử dụng đất, nhà ở trên đất cho bố bạn.
Mặt khác, chúng tôi chưa có căn cứ để nhận định hình thức của văn bản ủy quyền có phù hợp quy định của pháp luật là 1 bản di chúc hay không hoặc tài sản được định đoạt trong di chúc có của ông nội bạn hay không hoặc phần tài sản nào thuộc quyền định đoạt của ông nội bạn.
Từ những phân tích trên, suy ra, chưa đủ căn cứ để chúng tôi kết luận văn bản ủy quyền này là một bản di chúc hợp pháp theo quy định pháp luật.
Do đó, chưa đủ dữ kiện để chúng tôi có thể giải đáp cho bạn về việc bố của bạn có được quyền đứng tên trên phần diện tích đất mà ông nội bạn đã ghi nhận trong văn bản ủy quyền đó hay không.
Kết luận: Với thông tin bạn cung cấp, chưa đủ để chúng tôi kết luận việc thừa kế đất ủy quyền hay thừa kế đất theo giấy ủy quyền của bố bạn có thực hiện được hay không.
Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc chung, nếu văn bản ủy quyền đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật như về nội dung, hình thức…thì bố bạn có thể đề nghị Tòa án nhân dân công nhận đây là bản di chúc và thực hiện cấp sổ đỏ theo quyết định/bản án của tòa.
2. Được ủy quyền lập di chúc thừa kế đất không?
Lập di chúc là hành vi của người có đủ độ tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điều 609, Điều 624, Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc thể hiện mong muốn, nguyện vọng của từng cá nhân, ý chí của người có tài sản.
Nếu ủy quyền cho người khác thực hiện sẽ không thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của từng cá nhân có tài sản và vi phạm đến quyền tự định đoạt tài sản của họ.
Do đó, việc lập di chúc phải do chính người có tài sản thực hiện mà không được ủy quyền cho người khác thực hiện.
Có một số khái niệm dễ bị nhầm lẫn với việc ủy quyền cho người khác lập di chúc cần chú ý trong Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi: Được lập khi có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Di chúc này buộc phải được lập thành văn bản và có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc.
Cha mẹ, người giám hộ không nhận ủy quyền lập di chúc cho con, người được giám hộ mà những người này chỉ đồng ý với việc lập di chúc của con, người được giám hộ. Nội dung, ý chí chuyển quyền sở hữu trong di chúc do người có tài sản định đoạt.
Hay di chúc của người bị hạn chế về thể chất (ví dụ cụt tay, cụt chân…) hoặc của người không biết chữ phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và văn bản này được người làm chứng lập: Người làm chứng chỉ lập di chúc bằng văn bản để thể hiện ý chí, nguyện vọng của người hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ chứ không được nhận ủy quyền để định đoạt tài sản của người có tài sản trong di chúc;
Hay di chúc được đánh máy hoặc nhờ người khác đánh máy, viết theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc di chúc có công chứng, chứng thực được công chứng viên, người có thẩm quyền ghi nhận lại theo ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc: Những người đánh máy hộ, viết lại hộ, ghi nhận lại nội dung không được phép nhận ủy quyền lập di chúc mà họ chỉ thực hiện ghi chép lại nội dung, nguyện vọng của người lập di chúc.
Tóm lại, ngoài vấn đề nhận thừa kế đất theo ủy quyền/giấy ủy quyền thì vấn đề có được ủy quyền lập di chúc không cũng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Theo đó, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, người có tài sản không được ủy quyền cho người khác lập di chúc thay cho mình (lập di chúc mang ý nghĩa là tự định đoạt tài sản được làm tài sản thừa kế).
3. Được ủy quyền lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản không?
Bên cạnh vấn đề về thừa kế đất ủy quyền, ủy quyền lập di chúc thì ủy quyền kê khai, lập, nhận tài sản thừa kế trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản cũng là một trong những nội dung mà người được nhận tài sản thừa kế quan tâm.
Căn cứ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về công chứng, việc lập văn bản ủy quyền cho người khác lập, ký tên, thỏa thuận trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản là hợp pháp.
Nói cách khác, người chú ở bên nước ngoài của bạn có thể ủy quyền cho một trong những anh chị em của mình thực hiện lập, thỏa thuận, ký tên trên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Từ khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014, người chú của bạn có thể lập văn bản ủy quyền này theo trình tự như sau:
Bước 1: Lập hợp đồng ủy quyền tại cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài
Chú bạn liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước đang làm việc, sinh sống để lập hợp đồng ủy quyền.
Nội dung hợp đồng ủy quyền phải thể hiện rõ vấn đề ủy quyền cho người nào được lập, ký kết, quyết định nội dung về tài sản trong văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế.
Hợp đồng này phải có chứng nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài (lãnh sự quán, đại sứ quán…);
Bước 2: Chuyển hợp đồng ủy quyền về Việt Nam
Chú bạn chuyển bản gốc của hợp đồng ủy quyền này về cho người được nhận ủy quyền
Bước 3: Công chứng tiếp hợp đồng ủy quyền
Người được nhận ủy quyền liên hệ với văn phòng công chứng, phòng công chứng để công chứng tiếp vào bản gốc của hợp đồng ủy quyền nhận được từ chú ở nước ngoài của bạn.
Bước 4: Sử dụng hợp đồng ủy quyền trong thủ tục nhận di sản thừa kế
Người nhận ủy quyền sử dụng hợp đồng ủy quyền đã được công chứng để làm căn cứ được ký kết trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Kết luận: Pháp luật cho phép người được nhận di sản được ủy quyền cho người khác thực hiện lập, thỏa thuận, ký kết trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản và phải có công chứng theo quy định.