Thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai được không? Quy định cụ thể như thế nào? Cùng HieuLuat giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây nhé.
Câu hỏi: Chào Luật sư, năm 2021, cha mẹ tôi có mua một căn biệt thự (mới ký hợp đồng mua bán, chưa được cấp sổ hồng).
Năm 2022, không may cha tôi qua đời vì tai nạn giao thông.
Xin hỏi Luật sư, căn biệt thự trong dự án xây dựng nhà ở mà cha mẹ tôi mới ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư có được chia thừa kế không?
Mẹ tôi không đồng ý, anh thứ 2 của tôi đòi kiện ra tòa để yêu cầu phân chia.
Vậy, chúng tôi có thể giải quyết tranh chấp này như thế nào thưa Luật sư?
Chào bạn, thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai được không, quy định cụ thể như thế nào là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như sau:
Được thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai không?
Trước hết, Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình hoặc để lại tài sản để chia theo pháp luật tại Điều 610.
Trong đó, căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản có thể được phân chia thành bất động sản và động sản, bao gồm cả là các tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai.
Mà biệt thự cũng là một loại nhà ở hình thành trong tương lai, do vậy, đây cũng là một loại tài sản mà cá nhân được quyền để lại thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định, đối với nhà ở là tài sản được nhận thừa kế thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận.
Đồng thời khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 cũng quy định việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất cũng không bắt buộc phải có giấy chứng nhận mà chỉ cần đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận là được nhận thừa kế.
Tổng hợp những phân tích trên, suy ra, nhà ở hình thành trong tương lai là nhà biệt thự cũng là một trong số những tài sản được để lại thừa kế và nhận thừa kế theo quy định pháp luật.
Như vậy, pháp luật cho phép được thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai, bao gồm để lại thừa kế và nhận thừa kế.
Để được thừa kế loại tài sản này, trên thực tế cần thực hiện một số thủ tục đặc biệt, chi tiết nội dung này được chúng tôi trình bày ở phần dưới.
Tranh chấp thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai, giải quyết thế nào?
Theo phân tích ở phần trên, pháp luật hiện hành cho phép được thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai, tuy nhiên việc nhận thừa kế có một số thủ tục bắt buộc phức tạp hơn so với các trường hợp thông thường.
Trường hợp của bạn có phát sinh tranh chấp (các thành viên của người nhận thừa kế theo pháp luật chưa có phương án thống nhất về việc phân chia di sản thừa kế này), các cách giải quyết được thực hiện như chúng tôi hướng dẫn dưới đây.
Cách 1: Hòa giải, thương lượng
Việc thương lượng, hòa giải có thể do các bên tự thực hiện hoặc cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của hòa giải viên của tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà đất;
Đây là thủ tục không bắt buộc phải thực hiện nhưng lại là bước tiết kiệm thời gian, chi phí nhất;
Trường hợp hòa giải thành, các bên tiến hành nhận tài sản thừa kế theo trình tự như chúng tôi liệt kê dưới đây:
Lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng;
Chủ đầu tư ban hành quyết định/văn bản chấp thuận chuyển nhượng hợp đồng mua bán từ tên của cha mẹ bạn thành tên của những người nhận thừa kế;
Hoặc cũng có thể, chủ đầu tư có thể phát hành văn bản chấm dứt hợp đồng mua bán với cha mẹ bạn để ký lại hợp đồng mua bán với những người thừa kế;
Những người nhận thừa kế thực hiện đóng nộp tiền mua nhà, quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư/nhận chuyển giao từ hợp đồng ký kết với cha mẹ bạn;
Nộp bổ sung tài liệu, giấy tờ để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho người mua theo quy định;
Cách 2: Khởi kiện
Bên có yêu cầu phân chia di sản thừa kế thực hiện nộp đơn khởi kiện mẫu 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP tới tòa án nhân dân có thẩm quyền;
Kèm theo đơn khởi kiện về việc yêu cầu chia thừa kế, bên có yêu cầu nộp kèm các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện như:
Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được ký giữa chủ đầu tư và cha mẹ bạn;
Giấy chứng tử của cha bạn;
Giấy khai sinh của người yêu cầu chia di sản nếu họ là con, hoặc giấy tờ chứng minh là người được nhận di sản thừa kế theo pháp luật;
Giấy tờ, tài liệu khác;
Bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án nhân dân có thẩm quyền là căn cứ để những người nhận thừa kế làm việc với chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ đóng nộp tiền mua nhà, làm thủ tục cấp sổ hồng lần đầu đối với nhà ở hình thành trong tương lai;
Như vậy, nếu có tranh chấp khi nhận thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai, các bên có thể lựa chọn thực hiện hòa giải, thương lượng hoặc giải quyết tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.