hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 04/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thừa kế thế vị là gì? Hàng thừa kế thế vị gồm những ai?

Ngoài các trường hợp hưởng thừa kế theo di chúc và theo pháp luật thì trong một số trường hợp còn xuất hiện người thừa kế thế vị. Vậy thừa kế thế vị là gì? Hàng thừa kế thế vị bao gồm những ai? Cùng theo dõi bài viết sau để có câu trả lời.

 
Mục lục bài viết
  • Thừa kế thế vị là gì?
  • Hàng thừa kế thế vị gồm những ai?
  • Cách tính thừa kế thế vị như thế nào?
  • Vợ có được hưởng thừa kế thế vị?
  • Con dâu có được hưởng thừa kế thế vị?
Câu hỏi: Cách đây 5 năm, bố tôi cùng ông tôi không may gặp tai nạn và qua đời. Sau này, tôi được biết ông tôi có để lại cho bố một mảnh đất theo di chúc. Vậy mảnh đất này tôi có được hưởng thừa kế không? Mong luật sư giải đáp.

Thừa kế thế vị là gì?

Thừa kế thế vị là khi người để lại di sản thừa kế và con hoặc cháu của người đó chết trước/đồng thời với người để lại di sản, thì quyền thừa kế phần di sản đó sẽ được chuyển cho cháu/chắt của người có để lại di sản.

Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Thừa kế thế vị là gì?

Ví dụ: Ông A có để lại di sản cho con của mình là anh B, nhưng anh B không may chết trước ông A và B có một người con là C. Khi đó, C sẽ được hưởng phần di sản do ông A để lại cho bố của mình và khi đó C là người thừa kế thế vị.

Như vậy, những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ/ông bà được hưởng nếu bố mẹ/ông, bà còn sống. Do đó, trong trường hợp của bạn đặt câu hỏi, thì bạn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế là mảnh đất cho ông nội để lại cho bố vì bạn có quyền thừa kế thế vị.

Hàng thừa kế thế vị gồm những ai?

Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế thế vị sẽ bao gồm những người thuộc thế hệ sau, bao gồm các đối tượng sau:

- Các con được hưởng phần di sản mà bố/mẹ được ông bà để lại nếu bố/mẹ chết trước hoặc chết cùng lúc với ông bà. 

- Cháu/chắt được thay vào vị trí của ông/bà để hưởng di sản của cụ trong trường hợp bố mẹ và ông bà chết trước hoặc chết cùng lúc với cụ.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng trường hợp thừa kế thế vị được áp dụng kể cả trong trường hợp mối quan hệ giữa con nuôi và bố/mẹ nuôi; con riêng và bố dượng/mẹ kế. Cụ thể như sau:

- Theo Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015: Con nuôi có thể được hưởng thừa kế thế vị đối với phần di sản thừa kế mà bố/mẹ nuôi được hưởng nếu còn sống.

- Theo Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015: Con riêng có thể được thừa kế thế vị đối với di sản mà bố dượng/mẹ kế được hưởng nếu còn sống trong trường hợp giữa con riêng và bố dượng/mẹ kế có quan hệ chăm sóc và nuôi dưỡng nhau như cha con/mẹ con.

Cách tính thừa kế thế vị như thế nào?

Theo quy định, người được quyền thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố/mẹ hoặc ông/bà của mình được hưởng nếu còn sống. Nếu có nhiều hơn một người thừa kế thế vị, thì phần di sản đó sẽ được chia đều cho những người thừa kế thế vị. 

Ví dụ: Ông A có để lại phần di sản 1 tỷ đồng cho con trai của mình là anh B. Anh B có hai người con là X và Y. Vậy nếu anh B chết trước/cùng lúc với ông A thì con của anh B (X và Y) sẽ trở thành người thừa kế thế vị và được hưởng di sản 1 tỷ đồng do ông A để lại. Khi đó, X và Y sẽ được hưởng mỗi người là 500 triệu đồng.

Vợ có được hưởng thừa kế thế vị?

Vợ có được hưởng thừa kế thế vị?

Vợ có được hưởng thừa kế thế vị?

Khi chồng qua đời trước/đồng thời với bố/mẹ chồng thì vợ (con dâu) không thể trở thành người thừa kế thế vị đối với phần di sản mà chồng đáng lẽ được hưởng từ bố/mẹ chồng nếu còn sống. Bởi vì, thừa kế thế vị chỉ được áp dụng cho trường hợp có mối quan hệ giữa cha/mẹ và con cái hoặc ông/bà và cháu/chắt. 

Trong trường hợp này, các cháu sẽ trở thành người thừa kế thế vị đối với phần di sản đáng lẽ bố của họ được hưởng từ ông/bà.

Ví dụ: Ông A có để lại tài sản thừa kế cho con trai là B (có vợ là C) nhưng không may B lại chết trước ông A, khi đó chị C không thể trở thành người thừa kế thế vị được vì giữa hai vợ chồng không có quan hệ giữa người đời trước và người đời sau nên không thoả mãn điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị.

Con dâu có được hưởng thừa kế thế vị?

Như đã phân tích ở trên, thừa kế thế vị chỉ áp dụng đối với quan hệ cha/mẹ và con cái, ông/bà và cháu/chắt, cho nên con dâu không thuộc trường hợp được quyền hưởng thừa kế thế vị theo quy định pháp luật thừa kế.

Trên đây là các thông tin đến quý bạn đọc về nội dung thừa kế thế vị, những người có quyền thừa kế thế vị và cách tính thừa kế thế vị. Nếu cần hỗ trợ và giải đáp các vấn đề khác về pháp lý, quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến  19006192 để nhận được sự tư vấn nhanh chóng nhất.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X