hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 26/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

4 quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm như sau:

Mục lục bài viết
  • Các trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
  • Tịch thu tang vật vi phạm hành chính
  • Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính
  • Thời hạn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm
  • Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Câu hỏi: Tôi có cửa hàng buôn bán mỹ phẩm, tuần trước cửa hàng bị đội quản lý thị trường vào kiểm tra và thu giữ một số hàng hóa không có giấy tờ tại thời điểm kiểm tra. Tôi muốn hỏi về việc tịch thu tang vật là hàng hóa có thể lấy lại sau khi tôi cung cấp đầy đủ giấy tờ hay không?

Các trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Các trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính

Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện là hoạt động sung công quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính, được áp dụng đối với các vi phạm nghiêm trọng do cố ý.

Khoản 5 Điều 5 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

- Đối với các tang vật là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vật có giá trị lịch sử văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia, lâm sản quý hiếm, vật thuộc danh sách cấm tàng trữ, lưu hành thì lập tức tịch thu.

- Đối với các trường hợp khác thì căn cứ vào một trong các điều kiện sau:

+ Vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm do cố ý thực hiện;

+ Đó là tang vật trực tiếp của vụ vi phạm hành chính, mà nếu không tang vật này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính

Cũng giống với các trường hợp tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện được tiến hành trong các trường hợp sau:

- Tịch thu khi phương tiện là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vật có giá trị lịch sử văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia, lâm sản quý hiếm, vật thuộc danh sách cấm tàng trữ và lưu hành;

- Đối với các trường hợp khác thì: 

+ Nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm do cố ý thực hiện thì sẽ tiến hành tịch thu phương tiện;

+ Nếu phương tiện là tang vật quan trọng của vụ vi phạm hành chính thì cũng tiến hành tịch thu. 

Thời hạn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm

Trong nhiều trường hợp, trước khi bị tịch thu hoàn toàn thì tang vật hay phương tiện vi phạm thường bị tạm giữ để xác minh xem hành vi đó có phải là hành vi vi phạm hành chính cần tịch thu tang vật và phương tiện không. 

Theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 thì sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tiến hành tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm.

Sau khi xác minh và có quyết định xử phạt, trong đó áp dụng hình thức xử phạt là tịch thu thì người có thẩm quyền sẽ tiến hành tịch thu tang vật và phương tiện. Nếu không áp dụng hình thức xử phạt là tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý sử dụng hợp pháp. 

Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời gian là 10 ngày. Trường hợp cần giải trình từ cá nhân, tổ chức vi phạm thì thời gian ra quyết định xử phạt là 01 tháng kể từ ngày lập biên bản và 02 tháng đối với vụ án có tình tiết phức tạp cần thời gian xác minh. 

Như vậy, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm sẽ được thực hiện khi mà có quyết định áp dụng hình thức xử phạt là tịch thu tang vật, phương tiện trong vụ vi phạm hành chính của cá nhân hoặc tổ chức. 

Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thẩm quyền tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm. Căn cứ vào từng lĩnh vực, cũng như giá trị của tang vật và phương tiện mà thẩm quyền sẽ được phân chia cho từng cá nhân có thẩm quyền.

Thẩm quyền tịch thu tang vật và phương tiện được quy định bao gồm các cá nhân, tổ chức sau:

- Chủ tịch UBND các cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh);

- Trưởng công an xã và chức danh tương đương; trưởng công an huyện và chức danh tương đương; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Công an

- Bộ đội biên phòng: Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm; Đồn trưởng đồn Biên phòng; Hải đội trưởng Hải đội biên phòng; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh và các chức danh tương đương;

- Cảnh sát biển: Đội trưởng, Trạm trưởng; Hải đội trưởng; Hải đoàn trưởng; Tư lệnh cảnh sát Vùng biển; Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam.

- Hải quan: Chi Cục trưởng chi cục hải quan và các chức danh tương đương; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan; Tổng cục trưởng.

- Kiểm lâm: Trạm trưởng Hạt kiểm lâm; Đội trưởng đội kiểm lâm; Chi cục trưởng; Cục trưởng;

- Kiểm ngư: Kiểm ngư viên; Trạm trưởng; Chi cục trưởng; Cục trưởng.

- Cơ quan thuế: Chi cục trưởng; Cục trưởng; Tổng cục trưởng.

- Cơ quan quản lý thị trưởng: Đội trưởng Đội quản lý thị trưởng; Cục trưởng; Tổng cục trưởng.

- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

- Thanh tra: thanh tra viên; Chánh thanh tra sở và cấp tương đương; Chánh thanh tra tỉnh; Chánh thanh tra Bộ và cấp tương đương; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành;

- Cảng vụ hàng hải /hàng không, Cảng vụ đường thủy

- Tòa án nhân dân: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Chánh án tòa án các cấp

- Kiểm toán nhà nước

- Cơ quan thi hành án dân sự

- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm như sau:

- Lập biên bản về việc tịch thu tang vật, phương tiện

Trong biên bản ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký của các tang vật hoặc phương tiện. Biên bản phải có chữ ký của người tịch thu, đại diện cơ quan xử phạt, người bị xử phạt và người chứng kiến. 

- Tiến hành niêm phong tang vật, phương tiện. Việc niêm phong này phải được thực hiện trước đại diện cơ quan xử phạt, người bị xử phạt và người chứng kiến;

- Đưa tang vật, phương tiện bị tịch thu về nơi quản lý và bảo quản theo quy định. 

Trên đây là các quy định về tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Nếu các độc giả muốn tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này có thể liên hệ tổng đài:  19006192 để được các tư vấn viên tại đây giải đáp.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X