Khi sắp xếp đơn vị hành chính, tiền lương của người lao động có bị ảnh hưởng không là băn khoăn của nhiều người. Theo dõi nội dung dưới đây để biết chi tiết.

Tiền lương của người lao động có bị ảnh hưởng khi sắp xếp đơn vị hành chính?
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP có quy định về áp dụng mức lương tối thiểu vùng xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.
Cụ thể, người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
Tại dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đã đề xuất chính sách tiền lương của cán bộ công chức viên chức sau sáp nhập tỉnh, xã 2025 tại Điều 13 về số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
Theo đó, bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 06 tháng. Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người lao động trong doanh nghiệp không bị ảnh hưởng ngay khi sáp nhập đơn vị hành chính, tuy nhiên có thể bị tác động khi Chính phủ có điều chỉnh mức lương tối thiểu sau khi hoàn tất sáp nhập. Đối với cán bộ, công chức, viên chức có thể được bảo lưu chính sách tiền lương trong 6 tháng trước khi áp dụng chế độ mới nếu đề xuất được thông qua.

Lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành ra sao?
Điều 15 dự thảo dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất quy định về việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính (ĐVHC) mới sau sắp xếp.
(1) Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp xã, phạm vi thôn, tổ dân phố thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như sau:
- Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
(2) Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố có thay đổi tên gọi sau khi thực hiện sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.
Như vậy, Bộ Nội vụ đề xuất tại dự thảo Nghị quyết, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng hiện nay sẽ tạm thời giữ nguyên sau sáp nhập tỉnh thành đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:
Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng; Vùng 2: 4.410.000 đồng/tháng; Vùng 3: 3.860.000 đồng/tháng; Vùng 4: 3.450.000 đồng/tháng.
Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật