hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 27/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty sau khi nghỉ việc, xử lý như thế nào?

Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau có nhiều người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sau khi nghỉ việc. Vậy, người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sau khi nghỉ việc sẽ bị xử lý như thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Tiết lộ bí mật kinh doanh là gì?
  • Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc bị xử lý ra sao?
  • Điều kiện xác định hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
Câu hỏi: Sau khi nghỉ việc tôi đã truyền thông tin về bí mật kinh doanh tại công ty cũ với người khác. Cho tôi hỏi hành vi này của tôi có bị xử phạt vì vi phạm pháp luật không?

Tiết lộ bí mật kinh doanh là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được doanh nghiệp bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với người lao động về các nội dung liên quan đến thời hạn và nội dung cũng như việc bồi thường thiệt hại liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác.

Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về những nội dung doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động về bảo vệ bí mật kinh doanh như sau:

  • Danh mục bí mật kinh doanh;

  • Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh;

  • Thời hạn, phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh;

  • Quyền, nghĩa vụ của người lao động, doanh nghiệp trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh;

  • Xử lý hành vi vi phạm thỏa thuận, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tiết lộ bí mật kinh doanh

Tiết lộ bí mật kinh doanh

Tiết lộ bí mật kinh doanh là hành vi tiết lộ và sử dụng thông tin về bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định pháp luật.

Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc bị xử lý ra sao?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 trường hợp người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc được quy định như sau:

“3. Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

[...]

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.”

Như vậy, nếu doanh nghiệp phát hiện người lao động sau khi nghỉ việc có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.

Lưu ý: Điều kiện để doanh nghiệp được yêu cầu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người lao động lao động tiết lộ bí mật kinh doanh là chỉ khi doanh nghiệp phát hiện được hành vi vi phạm thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh của người lao động.

Nếu hành vi vi phạm của người lao động không bị phát hiện thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Căn cứ quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, trong trường hợp người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh thì người lao động có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm thỏa thuận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 thiệt hại do vi phạm thỏa thuận bao gồm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

  • Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế có thể xác định được (tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, …)

  • Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín và các lợi ích về nhân thân khác.

Bộ luật Lao động không có quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại do  người lao động vi phạm nghĩa vụ đối với doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là do các bên thỏa thuận.

Bên cạnh đó, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người lao động cũng sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của cá nhân bị xử lý như sau:

“Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.”

“Điều 4. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh

7. Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.”

Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc sẽ bị xử phạt hành chính

Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc sẽ bị xử phạt hành chính

Theo quy định trên, nếu người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sau khi nghỉ việc sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Ngoài ra, người lao động còn chịu hình thức xử phạt bổ sung như:

  • Tịch thu tang vật, phương tiện được người lao động sử dụng để thực hiện hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh;

  • Tịch thu khoản lợi nhuận người lao động  thu được từ việc thực hiện hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.

Điều kiện xác định hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định điều kiện để xác định một hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh như sau:

  • Đối tượng của hành vi vi phạm là bí mật kinh doanh đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng của hành vi vi phạm;

  • Người thực hiện hành vi vi phạm không phải chủ sở hữu bí mật kinh doanh cũng như không phải là người được cho phép;

  • Hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.

Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty sau khi nghỉ việc bị xử lý như thế nào? Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết trên vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X