Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là những chức danh đứng đầu cơ sở giáo dục. Phó hiệu trưởng trong trường học là ai, có nhiệm vụ gì? Hiện nay để có thể được bổ nhiệm vào vị trí phó hiệu trưởng, giáo viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản nào?
Hiểu thế nào về phó hiệu trưởng?
Luật Giáo dục 2019 hiện nay chưa có quy định cụ thể về thế nào là chức danh phó hiệu trưởng (hay còn gọi là hiệu phó) trong trường học. Tuy nhiên, căn cứ vào điều lệ hoạt động của các trường phổ thông các cấp, có thể hiểu phó hiệu trưởng là chức danh:
- Giúp việc và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng;
- Chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện các công việc do hiệu trưởng phân công;
- Thay hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường khi được ủy quyền.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm phó hiệu trưởng
Tùy vào từng cấp học, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh phó hiệu trưởng cũng khác nhau, cụ thể:
Đối với cấp tiểu học
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường tiểu học (công lập và tư thục) được quy định như sau:
- Về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông phải đạt mức cao;
- Có đủ năng lực, trình độ đảm nhiệm nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, trong đó:
+ Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp tiểu học;
+ Đã có kinh nghiệm dạy học tại cấp tiểu học ít nhất 05 năm;
Trường hợp dạy học tại miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ít nhất 04 năm.
Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông
Đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông muốn được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, theo đó:
- Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học;
Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học thì phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất.
Ví dụ: Tiêu chuẩn Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trần Cao Vân là phải đạt trình độ chuẩn được đào ở cấp học THPT thì mới đủ điều kiện được bổ nhiệm.
- Có thời gian dạy học ít nhất 05 năm đối với cấp học đó;
Trường hợp dạy học tại miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian dạy học ít nhất 04 năm.
- Phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
* Ai có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường trung học? Theo khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường trung học được quy định như sau: - Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng trường THCS và THPT có nhiều cấp học có cấp cao nhất là THCS. - Giám đốc Sở GD&ĐT được quyền bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng trường THPT và trường THPT có nhiều cấp học có cấp cao nhất là THPT. Lưu ý: Người có thẩm quyền bổ nhiệm cũng sẽ được thẩm quyền bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm đối với phó hiệu trưởng. |
Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng là bao lâu?
Căn cứ quy định tại điều lệ các cấp học, nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng là 05 năm.
- Đối với phó hiệu trưởng trường tiểu học: Sau mỗi năm học sẽ được hiệu trưởng, viên chức, người lao động trong trường góp ý. Sau đó cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đánh giá theo quy định.
- Đối với phó hiệu trưởng trường trung học: Sau mỗi năm học sẽ được viên chức, người lao động trong trường góp ý (không có hiệu trưởng). Sau đó cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đánh giá theo quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của phó hiệu trưởng
Hiện nay, phó hiệu trưởng tại trường học có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Điều hành, thực hiện công việc do hiệu trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng;
- Điều hành hoạt động của trường học khi được hiệu trưởng ủy quyền;
- Luôn bồi dưỡng, tự học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
- Tham gia các buổi sinh hoạt cùng với tổ chuyên môn;
- Được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi, các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo theo quy định pháp luật.
- Được đào tạo, tham dự các lớp bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định;
- Tham dự giảng dạy trên lớp theo quy định về định mức tiết dạy đối với chức danh phó hiệu trưởng.
Trên đây là một số thông tin về thế nào là chức danh phó hiệu trưởng và tiêu chuẩn bổ nhiệm phó hiệu trưởng theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến các chức danh trong cơ sở giáo dục các cấp, quy định giảng dạy, số tiết học, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.